Người Việt du học ở đâu nhiều nhất? Các nước tư bản

Mình xin bắt đầu với câu nói của Milton Friedman. Nếu muốn biết con người thực sự suy nghĩ gì, hãy “Coi cách họ bỏ phiếu bằng đôi chân.” Vì đôi khi lời họ nói khác với điều họ làm. Đây là một ví dụ.

Dựa theo thống kê của Pew, 83% người Việt Nam có cái nhìn thiện cảm với Nga. Bỏ qua việc bạn nghĩ gì về Nga, cũng khó bác bỏ sự ảnh hưởng. Lướt trên mạng xã hội, bạn sẽ dễ bắt gặp hàng loạt nội dung ca ngợi Nga. Nếu bạn vô tình bình luận không tích cực về Nga, khả năng cao sẽ bị phản bác lại với những lời lẽ nặng nề.

Nhưng như nói trên, lời nói và hành động đôi lúc trái nghịch nhau. Không có gì chứng minh rõ điều đó bằng thống kê sau. Đây là danh sách 10 quốc gia có số lượng du học sinh Việt Nam nhiều nhất trên thế giới, dựa theo Bộ Giáo Dục và Đào Tạo.

  1. Mỹ 29,000
  2. Úc 26,000 [chưa tính 15,000 đang học tại các trường Úc ở Việt Nam]
  3. Canada 21,000
  4. Đài Loan 17,500
  5. Nhật 15,000
  6. Hàn Quốc 14,000
  7. Anh Quốc 12,000
  8. Trung Quốc 11,300
  9. Singapore 9,000
  10. Đức 7,500

Vậy còn du học Nga thì sao? Chỉ có 5,000 du học sinh Việt Nam đang học tập ở đây. Trong đó, hơn 3,000 được cử theo hiệp định giữa hai quốc gia. Nghĩa là con số tự túc chỉ là 2,000. Quá thấp so với những Mỹ và Úc.

Đây là điều hoàn toàn trái nghịch với tỷ lệ “83% người Việt có cái nhìn thiện cảm với Nga.” Có thể khảo sát đó đúng, nhưng nó không hề phản ảnh cách con người lựa chọn bằng đôi chân. Họ tuy thích Nga, nhưng khi đi du học hay định cư, họ sẽ chọn đi Mỹ và Châu Âu.

Bất chấp các nội dung tiêu cực về Phương Tây bạn thấy trên những Facebook và TikTok, nó vẫn không làm giảm sức hút của việc đi học ở New York hay London. Điều này cho thấy rằng không phải cái gì bạn thấy trên mạng xã hội cũng phản ánh thực tế bên ngoài.

Một ví dụ khác nữa là số lượng du học sinh Việt Nam ở Trung Quốc so với Đài Loan.

  • Trung Quốc là quốc gia có 1.4 tỷ dân và hơn 3,000 trường cao đẳng đại học. Nhưng họ chỉ thu hút 11,300 sinh viên Việt đến học tập.
  • Đài Loan tuy chỉ là quốc đảo nhỏ với 23 triệu dân và hơn 140 trường cao đẳng đại học. Nhưng họ lại lôi cuốn 17,500 sinh viên Việt đến học tập.

Tuy hai quốc gia nói cùng ngôn ngữ, nhưng sức hút của một bên lại áp đảo bên còn lại. Nếu đã đến Đài Loan, bạn cũng dễ hiểu vì sao.

  • Môi trường học tập khai phóng. Nếu không nói tên địa lý, bạn sẽ nghĩ rằng mình đang học ở Úc hay Mỹ.
  • Học phí hợp lý. Một trường hàng đầu như Đại Học Quốc Gia Đài Loan chỉ có học phí tầm $5,000 hoặc 100 triệu đồng một năm. Còn thấp hơn nhiều chương trình đào tạo ở Việt Nam.
  • Chính sách lao động cởi mở nên du học sinh có thể ở lại làm việc hoặc thực tập.
  • Không gian mạng thoáng. Bạn có thể dùng Facebook và Google. Còn ở Trung Quốc thì hơi khó.

Còn những lý do yếu tố quyến rũ người Việt đến Phương Tây học tập thì ai cũng biết.

  • Giá trị và uy tín của bằng cấp.
  • Môi trường tự do.
  • Cơ chế nhân tài.
  • Cơ hội để làm việc với mức lương cao.
  • Chính sách định cư để trở thành công dân của các nước tiên tiến.

Đó là những thứ Nga hay Trung Quốc không thể mang lại hoặc chưa bằng.

Thú vị hơn nữa, theo đúng nghĩa, Mỹ chưa phải là nước có nhiều người Việt đến học tập nhất. Đứng đầu là Nhật với hơn 200,000 thực tập sinh Việt Nam. Sở dĩ ít ai để ý đến là nhiều doanh nghiệp Nhật đã lạm dụng chính sách thực tập sinh để tuyển dụng lao động nước ngoài giá rẻ. Do đó số người Việt đang sinh sống và làm việc ở Nhật Bản hiện nay đã hơn 470,000. Nghĩa là số thực tập sinh Việt Nam ở riêng Nhật nhiều bằng tất cả du học sinh Việt Nam trên thế giới cộng lại.

Ở trong nước, những RMIT, Western Sydney, Swinburne, BUV, và hơn chục trường quốc tế khác không thể đáp ứng hết nhu cầu học tập chương trình giáo dục Phương Tây của học sinh sinh viên. Học phí không hề thấp, trung bình là $20,000/năm, gấp 5 lần GDP bình quân. Một cử nhân sẽ tốn không dưới 1 tỷ đồng. Nhưng các gia đình vẫn chấp nhận.

Tại sao không phải là chương trình của Nga, mà lại là Anh và Úc?

Việc học tập ở đâu là lựa chọn của mỗi cá nhân. Nhưng xu hướng hiện nay là quá rõ. Ở trên mạng thì có thể nói yêu Nga, còn ở ngoài đời, họ chọn đi Mỹ.

Nguyễn Trọng Nhân, 18.1.2024