Người tàn tật, hòa nhập

Người tàn tật, hòa nhập | Anh họ của mình không may bị tai nạn xe hồi nhỏ nên bị tật ở một tay và chân. Cuộc sống bị ảnh hưởng ít nhiều, nhất là trong sinh hoạt cá nhân và đi học. Nếu muốn trải qua cảm giác đó thì hãy thử sống một ngày mà chỉ dùng một tay chân coi bực bội thế nào.

Dù không nói nhưng ai cũng biết anh ta tự ti vì không thể hòa nhập với mọi người. Trong khi người khác có thể đạp xe, chạy bộ và vui chơi thì anh ta chủ yếu ở nhà.

Rồi vào một ngày họ tầm 23 tuổi, anh ta uống thuốc tự tử trong sự bất ngờ của mọi người. Không nói một lời.

Có nhiều lý do nhưng hàng đầu có lẽ là áp lực bản thân. Nếu mình trong trường hợp đó thì sẽ ít nhiều làm vậy vì môi trường không tạo cơ hội.

Chúng ta, hay đúng hơn là xã hội Việt Nam, chưa chấp nhận người tàn tật vì coi họ là giới hạn. Một người khỏe mạnh nếu lỡ trở thành tàn tật sẽ bị xa lánh và hạn chế giao lưu bạn bè. Cơ sở vật chất ở nơi đây cũng không được thiết kế để chào đón những người không đầy đủ tay chân hay điều kiện đi đứng. Hàng đầu là toilet và cầu thang.

Chính điều đó dần tạo sự bất mãn trong tâm lý của những cá nhân kém may đó.

Tôi trước đây chưa bao giờ nghĩ đến điều này cho đến khi vào đại học ở một đất nước khác.

Một bạn trong lớp phải chống nạn để đi học vì chân có vấn đề. Không ai nhìn với ánh mắt kỳ thị hay thương cảm. Họ luôn tạo điều kiện để hòa nhập. Về chính sách thì theo tìm hiểu, anh ta được hỗ trợ về sinh hoạt và học phí. Nhờ điều đó nên mới có thể an tâm theo đuổi học vấn để có công việc tốt hơn. 

Mình nói đây không phải để so sánh vì quy mô kinh tế khác nhau. Nếu chúng ta không thể xây dựng hạ tầng để đủ tốt thì nên thay đổi quan điểm về người tàn tật. 

Những bạn tàn tật đừng bao giờ coi việc mình thiếu tay chân là cản trở. Trong nền kinh tế tri thức hiện tại thì bộ não mới là tài sản quan trọng. Có rất nhiều công việc có thể theo đuổi.

Tuần rồi trên Shark Tank có hai bạn trẻ bị mất tay lên thuyết trình. Bỏ qua phần về start-up kia mà chỉ nói về hiệu ứng. Sự xuất hiện đó cũng tác động ít nhiều đến sự tự tin của những người cùng cảnh ngộ. Thay vì khép kín thì hãy tự tin lên, xã hội sẽ chào đón bạn. 

Riêng mình thì muốn thấy có nhiều chính sách và chương trình để thúc đẩy người tàn tật nhiều hơn và biến họ thành thành viên của cộng đồng.

Bóc Phốt Tài Chính | 01.5.2021

Leave a Comment