Vào năm 1980, một chàng thanh niên gầy tên Bill Gates với cặp kính cận bước vào phòng họp với cộng sự của mình để trình bày ý tưởng về hệ điều hành máy tính trước ban giám đốc của IBM – thời đó đang là một công ty khổng lồ trong ngành công nghệ.
Sau một hồi đàm phán và khoảng thời gian cân nhắc, IBM đồng ý hợp tác với Gates và cái start-up vài năm tuổi đời Microsoft của ông ta. Ba thập niên sau, Microsoft bây giờ là công ty trị giá $2,000 tỷ và chàng thanh niên gầy ngày xưa hiện tại là người khổng lồ về quy mô lẫn mức ảnh hưởng với tài sản hơn $130 tỷ. Những dấu ấn từ Windows cho đến Word được sử dụng bởi hàng tỷ con người trên toàn cầu. Câu chuyện thần kỳ của Gates và Microsoft sẽ sống mãi như một biểu tượng của khởi nghiệp.
Nếu chỉ có vậy thì có lẽ không còn gì để nói. Có rất nhiều vấn đề và câu hỏi chưa được giải đáp. Khi suy ngẫm thì bạn sẽ ít nhiều tự hoài nghi.
Vào năm 1980, Bill Gates là ai? Microsoft từ đâu ra? Tại sao một công ty non trẻ không có sản phẩm nào lại có thể thuyết phục một gã khổng lồ chấp nhận. Sự kỳ diệu đó nghe như cổ tích.
Điều chúng ta ít đề cập tới là vai trò của một người phụ nữ trong việc kết nối để biến câu chuyện đó thành hiện thực.
Bà Mary Maxwell Gates, người mẹ của Bill Gates, là một nhân tố quyết định thầm lặng.
Là một giám đốc ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, và tham gia của vô số tổ chức từ thiện, người mẹ này đã là một ví dụ của thành công rồi. Khi còn là thành viên trong ban quản trị của tổ chức United Way, bà ta gặp John Opel, lúc đó đang là chủ tịch của IBM.
Khi biết cậu con trai mình đang gặp khó khăn, người mẹ đó đã thuyết phục ông đồng nghiệp quyền lực của mình để tác động đến ban lãnh đạo của IBM. Đó là chính là yếu tố giúp Microsoft có được bàn đạp để rồi tiến hóa từ một dự án mơ mộng thành một gã công nghệ khổng lồ.
Đứng sau Microsoft là một Bill Gates thiên tài và đứng sau ông ta là một bà mẹ. Thật khó hình dung mọi chuyện sẽ ra sao nếu thiếu đi nhân tố đó.
Đây có lẽ là một trong những lời mở đầu dài nhất bạn từng đọc từ tác giả, nhưng mình nghĩ hoài không thể nào làm nó ngắn bớt được. Đó cũng là điều nội dung này muốn bàn tới, vai trò của người mẹ là gì trong xã hội?
Khi chúng ta bàn về việc xây dựng xã hội, phát triển kinh tế, kiến tạo quốc gia hay giáo dục – hầu hết đều mang tính chất vĩ mô. Nhưng tất cả những ý tưởng đó đều thất bại nếu thiếu đi một cá nhân tất yếu trong bất cứ gia đình nào.
Người Mẹ chính là bàn tay kiến tạo xã hội.
Bằng cách nào?
- Sinh đẻ | Đây là điều đầu tiên. Khi Tạo Hóa thiết lập vũ trụ và cuộc sống, ông ta chỉ trao đặc quyền sinh đẻ cho một giới tính. Nếu có thể tự mang vào đời những thiên thần nhỏ thì mình đã làm từ lâu rồi, nhưng trọng trách này chỉ thuộc về phần nửa kia của thế giới. Nếu không có người nữ làm mẹ, chịu hy sinh mang thai chín tháng, thì nhân loại sẽ ngừng tồn tại.
- Nuôi dưỡng | Sinh con chỉ là một phần nhỏ, nuôi dưỡng mới là cuộc hành trình siêu cực. Hãy thử tượng tượng cảnh nửa đêm thức dậy vì đứa bé khóc, giữa trưa mệt nhưng vẫn phải chăm, hay sắp đi ngủ thì phải thức để thay tã. Làm mẹ là một công việc toàn thời gian và không có ngày nghỉ. Vậy mà nhiều người nghĩ rằng người phụ nữ ở nhà chăm con là không làm gì. Nếu họ điều tương tự dù chỉ một ngày thì có lẽ sẽ có cái nhìn khác.
- Giáo dục | Khi đứa trẻ biết đi, nói và đọc, người mẹ sẽ là giáo viên đầu tiên và quan trọng nhất trong cuộc đời. Mình đố ai tìm ra một người thành công mà thiếu đi công sức của cô giáo đó. Ở trường, một học sinh chỉ tiếp xúc trực tiếp với giáo viên cùng lắm là vài giờ, không có đội ngũ nhân lực nào có thể tận tâm với từng em một. Chỉ ở nhà, đứa trẻ ấy mới được người mẹ dồn hết thời gian vào mình. Tuy việc học kéo dài 12 năm ở trường và có thể thêm 4 năm đại học, nhưng giai đoạn đầu là quan trọng nhất vì nó xây dựng nền tảng cho sau này. Để một hạt giống trở thành cây thì cần được tưới nước hàng năm trời và để một đứa bé trở thành một thanh niên ưu tú thì cần hàng vạn giọt mồ hôi của người mẹ. Nhưng chúng ta chỉ thấy thành quả cuối cùng chứ ít ai nghĩ đến quá trình và công sức.
Khi trưởng thành và ra xã hội, những đứa trẻ kia trở thành những thợ xây, người phục vụ, nhân viên chăm sóc, luật sư, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn hay chính khách. Còn nhiều lắm nhưng nếu phải nói tất cả thì có lẽ sẽ không bao giờ hết. Bây giờ bạn thấy bàn tay của người mẹ trong việc kiến tạo xã hội chưa.
Đứa con phản ánh ít nhiều về người mẹ. Chỉ cần nhìn một cá nhân nào đó, bạn có thể đánh giá được người đã nuôi dưỡng.
Nếu là một chàng trai tử tế, thì đó là vì anh ta được mẹ dạy phải hiền hòa với mọi người. Nếu thấy anh ta dạ thưa, thì đó là vì người mẹ đã dạy là phải tôn trọng người lớn. Nếu anh ta có công việc ổn định, thì đó là nhờ công lao người mẹ đã xây nền. Nếu anh ta văn hay chữ giỏi, thì đó là sự kế thừa tính nhân văn của tình mẫu tử, vì chữ là hồn con người và không có giáo viên nào có thể dạy trọn vẹn nếu thiếu đi người mẹ.
Tới đây thì có thể bạn sẽ hỏi, “Vậy còn người cha thì sao?” Mình không bác bỏ vai trò của người cha mà chỉ muốn nói về người mẹ. Vì trong bất cứ gia đình hay xã hội nào, người cha sẽ bận đi làm, người mẹ ở nhà chăm con và ở bên cạnh nhiều nhất.
Luôn có những cá nhân thiếu đi bàn tay kiến tạo đó và vẫn trở thành công dân thành đạt trong xã hội. Nhưng với đa phần trường hợp còn lại, người mẹ là chìa khóa để xây dựng nhân loại.
Cho nên lần sau, khi thấy một đứa trẻ khóc, bạn đừng cảm thấy bực bội vì tiếng ồn đó mà hãy coi đó là hạt giống tương lai đang được bà mẹ trồng thành người. Đó là bàn tay đang kiến tạo xã hội.
…..và mình xin cảm ơn những ai đang làm mẹ và đã từng dấn thân cho công việc thầm lặng này.
Nguyễn Trọng Nhân | 08.5.2022 [Mother’s day, Ngày Của Mẹ]