Người già mưu sinh vì không lương hưu ở Việt Nam

Người già mưu sinh vì không lương hưu ở Việt Nam

Đường Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn dài khoảng 6 km, kết nối Quận 5 với Quận 1. Nó cũng được coi là một trong những nơi đông đúc và nhộn nhịp nhất thành phố. Nếu chạy xe từ đầu đến cuối, bạn sẽ thấy sự đa dạng của một Sài Gòn hiện đại. Từ những quán ăn nhỏ, cho đến chợ, cho đến các quán sang trọng, rồi chợ Bến Thành và trước mắt là khu tài chính với những tòa nhà cao chọc trời.

Ở bên cạnh những biểu tượng mới đó là những gánh hàng rong và quán cóc buôn bán gần như tất cả những món ăn bạn có thể nghĩ tới. Hủ tiếu, phở, chè hay bánh tráng trộn.

Mình đã chạy qua nơi này cả ngàn lần. Nhìn từ xa thì bạn chỉ thấy những tấm bảng, chiếc xe hoặc màu áo của người bán. Nhưng nếu tấp xe vào thì sẽ thấy họ là những người với nét mặt nhăn nheo, cho thấy sự cơ cực được tích lũy sau bao năm tháng.

Tuy không phải đa số nhưng một phần không nhỏ trong bộ phận đó là những người già. Không cần hỏi tuổi thì cũng đoán được. Nếu sinh sống ở đây lâu thì sẽ coi hình ảnh đó là bình thường. Nhưng nếu từ đâu đó đến hay đi xa về thì sẽ không ít suy ngẫm.

Tại sao ở cái độ đáng lẽ đã về hưu, những người già đó vẫn phải mưu sinh kiếm sống trên trường phố? Đó cũng là điều nội dung này muốn đề cập đến.

Dựa theo Bộ Lao Động, tầm 60% người già ở Việt Nam không có lương hưu. Nghĩa là trong tầm 14 triệu người tuổi 60 trở lên, 8 triệu vẫn phải tiếp tục đi làm. Đó là vì sao khi đi ra đường, bạn sẽ thấy không ít số lượng người già bán vé số, gánh hàng rong hoặc làm bảo vệ giữ xe.

Để hiểu vấn đề thì bạn cần nhìn lại quá trình phát triển và đổi mới của đất nước.

DIỄN BIẾN LỊCH SỬ VÀ KINH TẾ BAO CẤP | Từ giữa thế kỷ hai mươi, Việt Nam đã trải qua hơn ba thập niên chiến tranh và tiếp theo là hai mươi năm kinh tế bao cấp. Nghĩa là trong suốt những năm tháng đó, kinh tế không có cơ hội để phát triển bền vững.

Để hình dung thì chúng ta có thể làm bài toán đơn giản.

  1. Độ tuổi về hưu ở Việt Nam hiện nay là 60 năm đối với nam và 55 năm đối với nữ.
  2. Năm 2022 trừ 60 năm là 1962. Tuy không chính xác, nhưng có thể kết luận là những người già hiện tại đã sinh trước năm đó. Vào thời chiến tranh và bao cấp thì gần như không thể tham gia và quỹ hưu trí được.
  3. Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam thực sự bắt đầu vào năm 1995. Từ năm 1962 cho đến 1995 là 33 năm. Nghĩa là nếu thế hệ già hiện tại chỉ có thể bắt đầu tham gia vào quỹ hưu trí khi 33 tuổi, gần hơn một thập niên sau độ tuổi trưởng thành.

NÔNG DÂN VÀ LAO ĐỘNG TỰ DO | Khái niệm quỹ hưu trí là một điều tương đối với vì Việt Nam từ lâu là nền kinh tế nông nghiệp. Bây giờ thì đang công nghiệp hóa nhưng phần lớn dân số vẫn nằm trong tầng lớp nông dân và lao động tự do.

Sau đây là vài con số để chúng ta hình dung.

  1. 65% dân số sống ở nông thôn.
  2. Việt Nam có tổng lực lượng lao động là 55 triệu người. Nhưng chỉ 33% tham gia Bảo Hiểm Xã Hội, hoặc 16 triệu người.
  3. Nghĩa là 67% kia làm việc và được trả lương tiền mặt hoặc tự kinh doanh. Họ là những nông dân có thu nhập theo mùa quy hoạch, cô bán hủ tiếu, chú bán vé số hoặc người tự kinh doanh.
  4. Bảo Hiểm Xã Hội chỉ áp dụng nếu bạn làm ở nhà máy hay công ty và được trả lương kèm theo quy định nhà nước.

Đó là vì sao phần lớn người Việt Nam không tham gia quỹ hưu trí nhà nước. Giải thích nguyên nhân vì sao 60% người già không có lương hưu, đó cũng là con số tương đương với số lượng người lao động không tham gia Bảo Hiểm Xã Hội.

Chúng ta có thể trách rằng mỗi người nên có ý thức cá nhân. Tuy không đi làm chính thức nhưng vẫn nên tham gia hưu trí vì phúc lợi riêng. Nhưng có nhiều lý do khiến đa số người không muốn. Từ thủ tục rườm rà, tỷ lệ đóng quá cao cho đến nhận thức kém. Tất cả cộng lại tạo ra một lực lượng lao động sau này về già sẽ không có tiền hưu trí. Hiện tại thì hậu quả chưa được trông thấy nhưng trong tương lai thì ngược lại.

THỰC TẾ NGƯỜI GIÀ KHÔNG LƯƠNG HƯU | Định nghĩa của người già không lương hưu là họ không nhận gì từ Bảo Hiểm Xã Hội. Nhưng họ vẫn có thu nhập riêng. Đó là từ tài sản tích lũy, tiền từ bảo hiểm nhân thọ, doanh thu từ những khoản đầu tư cá nhân, và con cái hỗ trợ.

Rất khó để ước tính vì số liệu không được thu nhập nhưng số người già không lương hưu chỉ là thiểu số. Đây là điểm cần lưu ý. Dù họ là thiểu số nhưng vẫn là số lượng không ít.

Trong 14 triệu người già thì 60% không lương kia là 8 triệu. Bao nhiêu vẫn phải mưu sinh vì không có tài sản hoặc lương? Ít thì cả triệu và nhiều thì toàn bộ. Đủ để bạn thấy họ trên đường phố kiếm ăn mỗi ngày.

KẾT LUẬN | Thảm kịch người già mưu sinh không chỉ là kết quả đau lòng của một quá trình phấn đấu bất ổn mà là một vấn nạn thách thức thế hệ trẻ. Không ai muốn thấy ông bà hay cha mẹ mình phải rơi vào hoàn cảnh đó. Dù không thích nhưng chúng ta vẫn phải chứng kiến điều đó mỗi ngày khi ăn sáng trên vỉa hè, dừng xe mua ổ bánh mì, hay mua tờ vé số từ một người còng lưng.

Bảo Hiểm Xã Hội hiện nay đang giải quyết tốt vấn đề hưu trí nhưng đó là nếu bạn có tham gia. Còn những ai kém may lớn lên trước khi nó phát triển thì vẫn phải tự lo cho bản thân. Đây không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam mà nhiều nước khác cũng chứng kiến điều tương tự.

Chúng ta có thể làm tốt hơn để sau này không còn phải thấy hình ảnh của người già mưu sinh trên đường phố nữa.

Nguyễn Trọng Nhân, Bóc Phốt Tài Chính | 19.1.2022