Là một người trẻ thì ai cũng sẽ tự hỏi câu này. Nghe hơi vĩ mô nhưng thật ra đơn giản. Dân số Việt Nam hiện tại là 99 triệu và tiếp tục gia tăng ít nhất 0.8%.
Còn đây là con số xuất ngoại mỗi năm.
- Xuất khẩu lao động: 100,000
- Du học: 190,000
- Định cư nước ngoài: 100,000
Tổng cộng là trên dưới 390,000, nói 400,000 cho đơn giản. Các con số trên khó có thể chính xác mà chỉ là ước tính từ báo chí và báo cáo nhà nước.
Trông nhiều nhưng 400,000 của 99,000,000 chỉ là 0.4%. Còn nếu tính trên lực lượng lao động 51 triệu người thì là 0.78%.
Nghĩa là số người ra đi chỉ bằng phân nửa mức tăng trưởng dân số mỗi năm. Chưa tính số người về. Con số kia quá nhỏ để có thể gây tác hại đến tăng trưởng kinh tế.
Nếu lo lắng về khái niệm “Ai sẽ xây dựng đất nước” thì không những phi lý mà còn ảo tưởng sức mạnh của bản thân.
Việc bạn ra đi hay ở, sẽ giống như một quán trà sữa tặng một ly miễn phí.
Nếu suy nghĩ rộng hơn, một khi mở cửa nền kinh tế và giao lưu với thế giới thì phải chấp nhận sự di chuyển của con người.
Nhìn ngay tại quê nhà. Sao không ai hỏi:
- “Nếu người miền Bắc cứ vào Nam thì ai xây dựng Hà Nội?”
- “Nếu người miền Tây lên Bình Dương làm công nhân thì ai ở quê làm nông nghiệp?”
Mỗi người sẽ biết rõ thế mạnh của mình là gì và cần ở đâu để thực hiện kế hoạch.
Nhưng nếu phải trả lời câu “Ai sẽ xây dựng đất nước?” thì có lẽ là:
- Những người đang sống ở đây.
- Những người muốn đi mà không đi được.
- Những người “Yêu nước” hay ít ra thể hiện vậy trên mạng xã hội.
- Những người có hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, và trí tuệ.
- Những du học sinh quay về tìm cơ hội.
- Những Việt kiều và người nước ngoài đến làm việc.
Cho nên, đừng lý tưởng hóa bản thân hay suy nghĩ cao siêu. Bạn lo cho bạn trước, hàng triệu người cùng làm sẽ hình thành nền kinh tế.
Nguyễn Trọng Nhân, 14.4.2023