Mức tăng trưởng không bao giờ cố định, Việt Nam bắt kịp thế giới

Mất bao lâu để Việt Nam bắt kịp các quốc gia khác? Nếu lấy GDP đầu người làm tiêu chuẩn và với mức tăng trưởng 7%:

  • Thái Lan, 11 năm.
  • Mã Lai, 17 năm.
  • Hàn Quốc, 32 năm.
  • Đức, 39 năm.
  • Mỹ, 44 năm.
  • Luxembourg, 54 năm.

Với điều kiện là tăng trưởng liên tục và các nước khác dậm chân tại chỗ.

“Việt Nam tăng trưởng gấp đôi toàn cầu,” theo nhận xét của chủ tịch IMF. Nó có thể là câu xã giao và nhận định chuyên nghiệp, nhưng khó mà chính xác được.

Thay vì hàn lâm, chúng ta hãy bắt đầu với một ví dụ bình dân để giải thích.

Một kênh TikTok kia tuần rồi chỉ có 10,000 người theo dõi. Nhưng sang tuần này, con số đó đã là 20,000, mức tăng trưởng gấp đôi. Anh tác giả của kênh TikTok đó liền đưa ra vài nhận định như sau:

  • Cứ mỗi tuần tăng 10%, sau 52 tuần, kênh sẽ có 1 triệu người theo dõi.
  • Nếu duy trì mức tăng trưởng hai con số đó, sau 2 năm, kênh sẽ có 100 triệu người theo dõi.

Bạn không cần phải là chuyên gia để thấy sự khôi hài trong dự đoán đó. Lý do như sau.

  • Nó giả định rằng mức tăng trưởng sẽ cố định và bền vững.
  • Nó quên đi rằng kênh càng lớn thì càng khó phát triển.
  • Nó cũng không tính đến yếu tố ngẫu nhiên và sự xuất hiện của hàng vạn kênh khác.

Để đi từ 1 đến 1,000 thì dễ. Nhưng từ 1,000 đến 1,000,000 là một khoảng cách khổng lồ. Bất cứ ai cam kết sự chắc chắn thì đang hoang tưởng.

Đó là một ví dụ cá nhân, bạn có thể áp dụng nó cho bất cứ lĩnh vực nào. Phát triển thương hiệu trên Facebook, bán hàng trên Shopee, hay đơn thuần là kinh doanh tiệm trà sữa. Nếu sự tăng trưởng luôn cố định, thế giới sẽ tràn đầy tỷ phú đô la.

Nếu ở phạm vi cá nhân, sự tăng trưởng bền vững là điều không tưởng, thì điều đó càng không thể nào xảy ra ở cấp độ quốc gia. Các nền kinh tế khi đã đạt đến mức GDP đầu người $40,000, họ sẽ đi ngang và tăng 3% sẽ được coi là một kỳ tích.

Có nhiều yếu tố tác động, như:

  • Dân chúng càng giàu thì đẻ ít lại. Như Nhật Bản và Châu Âu, t ỷ lệ sinh đẻ của họ hiện tại là 1.4.
  • Mỗi lĩnh vực chỉ bùng nổ trong một giai đoạn nào đó, rồi bão hòa, và thị trường sàng lọc.
  • Chính sách điều hành có tác động ngược. Đó có thể là lựa chọn sai lầm hay bộ máy quản lý quá cồng kềnh.
  • Quan liêu và thao túng số liệu. Con người luôn là yếu tố khó kiểm soát. Argentina trước đây là một miền đất hứa, nhưng bây giờ chứng kiến lạm phát 100%.

Venezuela vào thập niên 1960 là một tiểu cường quốc, với GDP đầu người $954, còn Mỹ là $3,000. Nhiều dự đoán cho rằng Venezuela sẽ vượt các nước Châu Âu với doanh thu từ dầu khí. Nhưng hiện tại vào năm 2023, đất nước Nam Mỹ này là một “Nền cộng hòa củ chuối” với tiền tệ không có giá trị và nền kinh tế sụp đổ.

Ngược lại, Hàn Quốc vào thời điểm đó là một quốc gia nghèo vì mới thoát chiến tranh, với GDP đầu người $79. Bây giờ, họ là một cường quốc với GDP $33,000. Nhưng ngay cả giới lãnh đạo cũng không bao giờ dám tuyên bố mức tăng trưởng cố định vì tỷ lệ sinh đẻ ở đây chỉ là 0.9 đứa con cho mỗi người phụ nữ. Họ đã đạt đến mức cận phát triển và chỉ mong mức tăng trưởng một con số.

Ở Đông Nam Á, chúng ta thấy những Thái và Indonesia vẫn mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình thấp, mặc dù đã đi trước Việt Nam vài chục năm. Việt Nam vẫn cố bắt kịp Thái Lan về thể thao, điện ảnh, du lịch và kinh tế liên tục nhưng bất thành tuy có mức tăng trưởng gấp đôi.

Dựa trên những nhận định đó, sẽ là quá ảo tưởng để nói rằng “Việt Nam sẽ tăng trưởng 7% liên tục trong 30 năm để bắt kịp những Thụy Điển và Hàn Quốc.” Trong lịch sử hiện đại, không có một quốc gia nào có thành tích đó.

Còn nếu bạn hỏi ChatGPT hoặc Bing, thành tựu đáng nể kia thuộc về nước Úc, với giai đoạn tăng trưởng không ngừng từ năm 1991 cho đến nay, nhưng trung bình chỉ 1 đến 3%. Nhưng sẽ là không công bằng, để so sánh nước có dân số 26 triệu với 99 triệu của Việt Nam.

Quay lại chủ đề chính, “Mất bao lâu để Việt Nam bắt kịp thế giới?”

Việc báo chí đưa ra các con số siêu lạc quan không những phản tích cực, mà còn kiềm chế nhận định trung thực về các vấn đề trong nền kinh tế.

Mượn lời của nguyên cố vấn kinh tế cho thủ tướng chính phủ, bà Phạm Chi Lan, “Việt Nam là một nước không chịu phát triển.”

Nếu đúng vậy, các sự đoán tăng trưởng không ngừng kia càng là điều xa vời và không tưởng. Không ai có thể biết trước được tương lai.

Nói vậy không có nghĩa là tiêu cực, nhưng cũng không nên quá ảo tưởng bởi vì mức tăng trưởng không bao giờ cố định.

Nguyễn Trọng Nhân, 24.5.2023