Mang tiền về cho mẹ, trả hiếu thế nào
Bạn trả hiếu cha mẹ thế nào? Bằng cách “Mang tiền về cho mẹ” như trong bài Rap của Đen Vâu, ở chung để chăm sóc hay nếu ở xa thì lâu lâu về thăm nhà?
Đa số những người trẻ chúng ta chưa nghĩ đến về điều này quá nhiều vì chưa đến lúc. Nhưng khi tuổi đời càng già đi, vấn đề này sẽ quay trở lại và gây bâng khuâng.
Trả hiếu cha mẹ.
Trước tiên, điều đáng bàn là ý nghĩa của khái niệm “Mang tiền về cho mẹ.”
Nhiều người sẽ lầm tưởng rằng tiền ở đây là những tờ VND hay con số trong tài khoản. Điều đó không sai nhưng nếu chỉ nghĩ vậy thì bạn chưa nhìn thấy toàn diện. Tiền không chỉ là tiền.
Cha mẹ bạn thực sự không màn đến những khoản tiền đó. Từ khi được sinh ra cho đến khi khôn lớn, họ đã đầu tư vô kể nhưng chưa bao giờ thấy tiếc. Dù là tã, sữa, học phí, quần áo hay những khoản tiêu vặt bạn hay xin để đi chơi, tất cả những thứ đó đều quy ra bằng tiền. Nếu tính thì có lẽ nó đã lên đến hàng tỷ đồng.
Những tờ giấy mệnh danh kia bạn mang về tặng còn chưa bằng một phần nhỏ của tổng chi phí họ đã bỏ ra. Bạn nghĩ đến tiền còn cha mẹ thì coi những thứ đã chi là khoản đầu tư không cần lấy lại.
Tiền của người con trong mắt một người mẹ mang ý nghĩa biểu tượng hơn là việc có thể mua gì với nó. Niềm vui lớn nhất của người mẹ là thấy đứa con mình nuôi dưỡng từ trong bụng lớn lên và thành tài. Từ lúc bạn biết đi, nói, học, làm việc và sống xa nhà, tất cả đều được quy tụ lại để trở thành một minh chứng sống cho sự thành công.
Khi bạn nhận được khoản lương đầu tiên, giây phút tưởng chừng như bình thường, nhưng đối với người mẹ, đó là khi bà ta biết bạn đã là thành viên có ích cho xã hội.
Bạn lấy một phần của số tiền đó để tự lo cho bản thân để thành người tự lập. Sau hàng tá chi phí phải trả mà vẫn có tiền dư để mang về nhà tặng, những tờ tiền trông như không mua được gì trong thời bão giá lại là vật cho thấy bạn vẫn còn nhớ đến người đã tạo ra mình. Một người mẹ không cần gì to lớn hơn.
Nhưng để hiểu vì sao khái niệm “Trả hiếu” lại tồn tại trong xã hội Việt Nam thì chúng ta phải xét cơ chế. Đó là hiện tại hệ thống tài chính hưu trí của Việt Nam chưa phát triển.
Dựa theo Bộ Lao Động, 64% người già ở Việt Nam không có lương hưu. Họ phải sống tiếp thời gian vào tuổi già nhờ vào tài sản tích lũy hoặc con cái. Gia đình chính là nguồn hưu trí chính và nó đã tồn tại trong mọi xã hội từ ngàn xưa.
Cha mẹ nuôi con cái để sau này con cái nuôi lại cha mẹ.
Đó là người Việt Nam, còn người Phương Tây thì sao?
Ở những nước Mỹ Âu hiện đại thì khái niệm “Trả hiếu cha mẹ” bị lu mờ. Không phải vì những đứa con Tây không yêu cha mẹ mà vì họ đã thiết lập cơ chế hưu trí, tập trung lẫn cá nhân, để bảo đảm chất lượng sống cho người già.
Nó hoạt động như sau.
1. Bạn đi làm và đóng thuế.
2. Bạn lập gia đình, đẻ con và nuôi đến khi trưởng thành.
3. Những đứa trẻ khi sau này trở thành người lớn sẽ đi làm và đóng thuế. Một phần của tiền thuế đó sẽ được dùng để nuôi lại người đi trước, tức cha mẹ mình.
Chính sự lưu thông của con người, vốn và thuế đã giải quyết nạn người già đơn độc. Cho nên dần dần, con người coi nó là điều hiển nhiên và ít ai ngừng lại để suy ngẫm.
Việt Nam chưa đạt đến mức độ đó dù đang phát triển. Mặc dù đã có những Bảo Hiểm Xã Hội, bảo hiểm nhân thọ và đầu tư hưu trí nhưng nó chỉ giải quyết một phần nhỏ. Đó là vì sao phần lớn người già vẫn coi con cái là chỗ dựa và “Mang tiền về cho mẹ” vẫn là một trong những cách để trả hiếu.
Ngoài ra, nếu đã nói về cách để trả hiếu thì chúng ta không thể bàn về những mô hình hiện đại và văn minh hơn. Tuy không thể nói hết trong bài viết này nhưng có thể tóm lại. Bạn có thể trả hiếu như sau.
1. Mua bảo hiểm nhân thọ để bảo đảm sức khỏe cho cả gia đình.
2. Cùng cha mẹ mua căn nhà hay chung cư cho thuê và lấy tiền đó làm lương hưu.
3. Mua vàng, đó là kênh tích lũy truyền thống.
4. Mỗi năm đi du lịch cùng gia đình một lần.
Nhưng như nói trên, số tiền trả hiếu đó mang ý nghĩa biểu tượng và sự quan tâm nhiều hơn là thực dụng. Món quà quý nhất một người con có thể tặng cho cha mẹ không nằm ở con số trên tờ giấy hay màn hình, mà là sự trưởng thành. Nếu bạn là một công dân tử tế, có việc làm, biết chăm sóc cho tiểu gia đình của riêng mình, thì đó đã là món quà vĩ đại nhất để tặng cho cha mẹ rồi.
Còn suy nghĩ to lớn hơn thì tuy họ không nói nhưng bất cứ cha mẹ nào cũng muốn có cháu bồng. Không phải vì họ ham trẻ em, mà vì khi thấy bạn làm cha mẹ, họ đang sống lại những năm tháng đầu. Hạnh phúc của bạn cũng là hạnh phúc của cha mẹ.
“Mang tiền về cho mẹ.” Khi bạn hiểu tiền cho mẹ không phải chỉ là tiền, đó là lúc bạn tiến hóa từ một đứa trẻ khóc nhè thành thiên thần trưởng thành trong mắt mẹ.
Bóc Phốt Tài Chính | 04.1.2022