Bạn có thể hiểu nhiều điều về văn hóa và tư duy của con người thông qua cách họ sử dụng từ ngữ. Vì chữ là hồn, nó phản ánh giá trị và cách nhìn nhận một cách vô giác.
Ở Việt Nam có một khái niệm rất đặc biệt. Đó là khi nói về lương, thường thì người ta sẽ nhắc “Lậu.” Họ, hay chính xác hơn là chúng ta, sử dụng từ đó mà không cần suy nghĩ nhiều vì nó quá tự nhiên.
Sau đây là vài ví dụ.
Anh A sau khi đọc một bài trên mạng sẽ nói:
- “Mức lương bình quân ở Việt Nam chỉ tầm 7 triệu một tháng.”
Anh B nghe vậy liền phản bác:
- “Ờ đúng. Nhưng ở Việt Nam ngoài lương ra thì còn có cả “Lậu” nữa mà.”
Hay khi có ai đó nói:
- “Lương giáo viên và bác sĩ ở Việt Nam thấp quá. Chỉ vài triệu mỗi tháng.”
Ngay lập tức, sẽ có ý kiến trái chiều:
- “Đó là mức cơ bản thôi. Còn lậu là tiền kiếm thêm bên ngoài nữa.”
Tôi cá là bạn đã nghe hay đọc những bình luận như vậy nhiều lần rồi. Thậm chí, một số người còn ghép chung hai từ thành “Lương lậu” để sử dụng khi nói chuyện với bạn bè. Mặc dù là từ lóng và không có từ điển nào công nhận chính thức, nhưng hành vi đó cũng vô tình tiết lộ quan điểm sống.
Nó cho thấy ranh giới giữa Lương và Lậu từ lâu đã bị xóa mờ trong xã hội chúng ta đang sống. Con người khi đã quá quen với điều đó thì sẽ dần bình thường hóa nó đến mức coi nó là một phần của văn hóa.
Trước khi tôi tiếp tục, mong bạn đừng hiểu sai điều gì nhé. Nội dung này không hề mang ý nghĩa tiêu cực gì mà chỉ phân tích tư duy tài chính thôi.
Lương và lậu. Lương lậu…
Thuật ngữ đó vừa hài nước và mang chút châm biếm xã hội cho những ai đủ trưởng thành để hiểu quy luật vận hành. Nếu bạn còn đang đi học thì sẽ cảm thấy hơi khó hiểu. Còn nếu đã đi làm rồi thì sẽ cười trừ.
Vậy ý nghĩa và sự khác biệt là gì?
- Lương: là số tiền bạn được trả cho một khoản thời gian làm việc cố định, thông thường là một tháng.
- Thu nhập: là tổng số tiền kiếm được bao gồm cả lương và khoản thu khác.
- Lậu: là số tiền thu được một cách kín đáo, ngầm, âm thầm và không công khai. Nhiều người thường gắn kết nó với quan liêu và bất chính. Nhưng nó thực chất là khoản tiền phi chính thức. Nó không nhất thiết là xấu, mà là một khoản thu bạn biết là đang tồn tại, nhưng không thấy và chứng minh được.
Hãy thử áp dụng nó với giáo viên và bác sĩ nhé.
Cả hai đều có lương thấp vì được trả theo biên chế quản lý công. Tuy nhiên, họ có thể làm bên ngoài để kiếm thêm.
- Giáo viên có thể mở lớp dạy thêm cho học sinh, làm thêm ở trung tâm hay mở khóa học online.
- Bác sĩ thì có thể mở dịch vụ khám tư nhân, làm thêm ở phòng khám bên ngoài hay được thưởng sau khi tư vấn.
Đó là vì sao nhiều bác sĩ tuy có lương cơ bản chỉ vài triệu đồng nhưng thu nhập lại lên đến cả trăm triệu. Giáo viên cũng vậy, nhất là ai mở lớp kinh doanh và dạy thêm.
Nhưng đừng nhầm lẫn. Điều đó chưa bao giờ là tốt vì nó tạo ra vài hệ lụy.
Bác sĩ vì lương thấp nên trong giờ làm chính thức, họ không có động lực để chữa bệnh tận tâm. Chỉ khi ra bên ngoài làm thêm, được trả theo mức thị trường, thì họ mới làm việc chuẩn mực. Vậy thì chúng ta đóng thuế và bảo hiểm y tế để làm gì, khi phải tốn thêm thì mới được chữa.
Việc bác sĩ mở phòng khám hay kinh doanh không có gì sai. Tiền là động lực hiệu quả nhất. Bất cứ môi trường nào cổ vũ cho điều ngược lại thường có kết quả không mấy tốt đẹp. Nhưng còn khi làm việc trong giờ chính thức thì sao?
Giáo viên cũng vậy. Vì được trả lương bèo nên phải kiếm thêm thông qua phong bì của cha mẹ, dạy thêm hoặc làm thêm ở trung tâm. Nhưng hậu quả là trong giờ học chính, sự tận tâm sẽ không còn nữa và dẫn đến nạn phân biệt đối xử dựa trên đồng tiền.
Họ kiếm thêm vì làm nhiều hơn và cơ thể con người luôn có giới hạn về giờ giấc. Cho nên sẽ là sai lầm nếu đánh đồng lương với lậu vì cả hai hoàn toàn khác nhau.
Ngay lúc này, từ Lậu được phơi bày. Sở dĩ chúng ta dùng Lậu thay cho “Kiếm thêm” là vì thừa biết nó mập mờ và phi chính thức. Đó chưa bao giờ là điều đáng khuyến khích vì dẫn đến quan liêu và tiêu cực trong bất cứ ngành nghề nào.
Nhưng ở hiện nay, Lậu đã trở nên quá phổ biến nên nhiều người gom chung với Lương. Cho thấy nó đã trở thành một lối sống.
Sẽ tốt hơn nếu bác sĩ và giáo viên có lương cao, thay vì Lương ít mà Lậu nhiều. Vì một cái khuyến khích sự cởi mở và cạnh tranh, còn cái kia là hậu quả của một môi trường làm việc bị kiềm chế.
Nhìn theo hướng tích cực, Lậu cũng không hề xấu vì khi bị giới hạn về thu nhập, con người sẽ tìm cách kiếm thêm ngoài giờ. Lậu chỉ là từ ngữ hài hước người bình dân dùng để miêu tả số tiền kiếm được từ công sức bỏ ra. Nó chỉ xấu nếu hành vi đó sai trái hay nếu người thực hiện bác bỏ nhiệm vụ công việc của mình.
Nhưng sau tất cả, nét đặc trưng vẫn còn đó trong tư duy tài chính của người Việt Nam. Lương và Lậu.
Bóc Phốt Tài Chính, 14.9.2022