Lời khen của các influencer về Việt Nam có đáng tin không?

Vào cuối năm 2019, Nas Daily đến Việt Nam. Anh ta hợp tác với vài cá nhân tiêu biểu để quay clip và nói những câu tràn đầy năng lượng như:

  • “Tôi nghĩ mình vừa đến một đất nước hạnh phúc nhất thế giới.”
  • “78% người dân Việt Nam nói rằng họ hạnh phúc.”
  • “Chúng tôi giải quyết vấn đề và việc khó khăn bằng nụ cười.”

Xung đột cũng bắt đầu từ đó. Dư luận chia thành hai nhóm. Một bên tích cực cho rằng vụ việc này sẽ quảng bá hình ảnh đất nước đến bạn bè thế giới. Còn bên còn lại cho rằng nó quá giả tạo.

Đó cũng là chủ đề của bài này.

Khi thấy một bạn nước ngoài nào đó khen Việt Nam trên YouTube hay TikTok bằng những câu như sau thì bạn có nên tin không?

  • “Việt Nam thật rẻ. Phòng khách sạn này chỉ $20 thôi.”
  • “Người dân Việt Nam thật thân thiện.”
  • “Cảnh và con đường này thật đẹp.”

Thẳng thắn là không và lý do không như bạn nghĩ.

Không phải là họ đang giả vờ thảo mai, diễn kịch để lừa dối ai, mà chỉ là góc nhìn của một du khách luôn khác hoàn toàn với người bản xứ.

Phần lớn các bạn trẻ Đông Á và Mỹ Âu đã được ăn học trong môi trường giáo dục hiện đại. Một trong những điều họ được dạy là cách đối nhân xử thế. Không chỉ ở trường mà còn từ gia đình. Đó là khi đến bất cứ nơi đâu, cũng phải lịch sự và khen lấy lòng.

Ngay cả chúng ta cũng vậy chứ không riêng gì ai. Khi đến nhà người khác, khen là một cách đơn giản để tạo mối quan hệ. Khi mới gặp người khác, nói một câu tích cực là phương pháp làm đôi bên vui vẻ. Khi đến một nơi nào đó, chọn một nơi đẹp để chụp ảnh là cách gây ấn tượng, còn nếu nơi đó không như mong đợi thì tốt nhất nên giữ im lặng. Trừ khi bạn muốn người khác nghĩ mình là kẻ vô duyên.

Đó là phép lịch sự tối thiểu của người có học thức.

Một người đang đi du lịch đơn thuần chỉ ghé ngang và trải nghiệm một thời gian, nên cảm thấy thích thú. Còn một người dân đang sinh sống thì đã chứng kiến nó mỗi ngày nên thấy bình thường.

Chính điều đó giải thích cho sự khác biệt trong cách nhìn nhận.

Dốc Nhà Bò ở Đà Lạt trông thật thơ mộng trong phim Tháng Năm Rực Rỡ. Khi lần đầu đến bạn sẽ ngay lập tức đến chụp ảnh để khoe với bạn bè trên mạng xã hội. Nhưng nếu bạn sống ở đó đủ lâu, thì sẽ không hiểu được nó có sức hút gì mà người khác lại chen lấn để đến ngắm. Những Hồ Xuân Hương và đồi thông sẽ trở nên bình thường vì bạn quá bận đi làm từ sáng đến tối. Mặc dù chạy ngang mỗi ngày, bạn sẽ quá mệt để quan tâm.

Một căn hộ trên tầng cao tại đường Nguyễn Tuân ở Hà Nội trông hiện đại trên Facebook. Nhưng khi bạn sống ở đó thì sẽ cảm thấy quá tải khi bị kẹt xe mỗi sáng và chiều. Ly cà phê trứng cũng dần thành một ly nước bình thường vì bạn đã uống quá nhiều.

Chợ Bến Thành lần đầu đến thì thú vị. Nhưng khi bạn biết mình đã mua với giá quá cao, cảm giác ban đầu cũng biến mất. Tô phở từ hấp dẫn bỗng trở thành món dân dã khi ngày nào bạn cũng thấy.

Khi là du khách, bạn chỉ tiêu tiền để được phục vụ. Thời gian của bạn là đi đến những danh lam thắng cảnh, thử các món ăn địa phương, và ngồi nghỉ trong vài quán nước. Thế giới quan của bạn là các khu du lịch, thường là trung tâm thành phố, và phòng khách sạn. Còn vùng ngoại ô hay con hẻm nào đó thì quá xa lạ để bạn biết đến sự tồn tại.

Còn khi là một người dân, bạn phải va chạm với xã hội trong từng giây từ ở nhà ra đến ngoài đường. Bạn sẽ biết thế nào là ô nhiễm, cảm giác bực bội khi kẹt xe, sự mệt mỏi khi làm thủ tục hành chính, và đồng lương bèo bọt.

Lúc đó, chiếc xe máy ngày nào trông thú vị bỗng dưng thành nỗi ám ảnh khi bạn thấy tai nạn giao thông hay khi da bị đen bởi nắng cháy. Còn hàng tá thứ khác phải va chạm mà khi đi du lịch sẽ không hề biết.

Nếu muốn biết người khác thực sự suy nghĩ gì, hãy quan sát qua hành động. Đi đầu là tỷ lệ du khách trở lại, nó rất thấp.

Chỉ tầm 10% du khách quốc tế quay lại Việt Nam, so với 70% của Thái Lan. Điều đó nói lên ít nhiều.

Ở đây không phê bình về xã hội, mà chỉ nói rằng những gì bạn thấy và nghe trên không gian mạng chỉ là nội dung đã được biên tập. Giống như coi một bộ phim có kịch bản.

Cũng không trách được vì ngược lại cũng tương tự. Khi chúng ta đi đến nước khác thì cũng sẽ khen và tránh đề cập đến những điều có thể mang lại phiền hà. Đâu ai muốn được nhớ đến là người tiêu cực và thiếu tinh tế, nhất là khi đang làm khách.

Những Tiktoker du lịch nào đó, họ chỉ đưa ra nhận xét cá nhân kèm với nghệ thuật khen của Dale Carnegie từ góc nhìn của một du khách. Nó không toàn diện. Cho nên nếu lấy những câu xã giao để tự hào thì không khác gì sống ảo mà nghĩ là thật.

Nguyễn Trọng Nhân, 27.4.2023