Làm phiên dịch tiếng Anh mà không có bằng đại học | Có bạn gái hỏi này trong nhóm tiếng Anh. “Em 23 tuổi muốn làm phiên dịch viên tiếng Anh mà chưa học đại học. Có cách nào để làm mà không cần bằng cấp đại học không?”
Mặc dù gặp câu hỏi nhiều lần về vấn đề bằng cấp nhưng nó cần được lặp lại.
Em không cần bằng đại học để trở thành một phiên dịch viên, cũng không cần chứng chỉ gì để làm trong ngành dịch thuật. Nhưng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục người khác tin tưởng vào năng lực của mình. Vì khi người ta chưa biết em là gì thì lấy gì để củng cố niềm tin nếu không dùng bằng cấp.
Đồng ý là không phải ai có bằng cử nhân Tiếng Anh cũng đạt tiêu chuẩn hay có điểm IELTS 7.0 cũng có thể đáp ứng nhu cầu. Nhưng đa số những người có đủ năng lực đều ít nhiều có gì đó chứng nhận, trong đó bao gồm bằng cấp.
Nó cho người ta thấy mình thực sự chịu đầu tư về thời gian và công sức trong môi trường bài bản. Có những thứ người tự học thiếu, như kiến thức chuyên ngành, kỷ luật và mối quan hệ. Đó là vì sao chúng ta có nhà trường để thiết lập những yếu tố đó.
Về lâu dài thì sẽ không ai hỏi bằng cấp nữa mà sẽ đánh giá qua năng lực, đó chính là thương hiệu em tạo ra. Có thể làm cái blog, công việc hay lời giới thiệu của người nào đó uy tín. Nhưng để đạt được đến mức đó thì cần những bước đầu tiên.
Chính lúc này, bằng cấp được hiểu là bước đệm hoặc đôi cánh. Nó sẽ giúp em đi nhanh và xa hơn. Nó là một phần quan trọng và gần như không thể thiếu trong thương hiệu cá nhân.
Em vừa có thể học tiếng Anh ở trung tâm, cao đẳng rồi đại học trong khi làm việc dịch thuật. Điều đó đâu có mâu thuẫn gì đâu. Vì đây là đam mê nên em sẽ không bao giờ biết nhàm chán. Hãy làm vậy, đó là cách chắc chắn nhất.
Để có thu nhập cao thì em cần một chuyên ngành. Đó có thể làm tài chính, giáo dục, kinh tế, xã hội hoặc kỹ thuật. Tiếng Anh là công cụ và khi đi kèm sẽ cho em nhảy vọt.
Có thể làm như sau để thí nghiệm coi mình có hợp và chịu khổ luyện không.
- Mở cái blog.
- Dịch bài báo nào đó từ tiếng Anh sang Việt và Việt sang Anh. Coi nó ảnh hưởng đến tư duy em thế nào. Đây là điều không hề dễ chút nào. Ngay cả những người lâu năm cũng gặp khó khăn.
- Sau đó mang blog trình bày cho người khác và biến nó thành CV cho công việc. Lúc đó, người ta sẽ tự tìm đến em.
Ví dụ như anh bây giờ không còn đi tìm việc nữa, việc tìm đến anh. Nhưng để có được thành quả đó thì cần một quá trình.
Nếu không có bằng cấp thì em phải chứng minh cho người ta thấy sự nỗ lực và sẽ mất nhiều thời gian hơn. Khả thi nhưng lâu và khả năng thấp. Còn khi có bằng thì sẽ nhanh hơn rất nhiều.
Bóc Phốt Tài Chính | 04.7.2021