Lạm phát thật ở Việt Nam là bao nhiêu, CPI là gì

Lạm phát thật ở Việt Nam là bao nhiêu, CPI là gì

Khi COVID-19 xảy ra vào đầu năm 2020 và kéo dài đến cuối năm 2021, các chính phủ khắp nơi đua nhau in tiền để cứu nền kinh tế của mình. Dù có ý định tốt nhưng kết quả cũng không thể nào thoát được quy luật kinh tế. Đó là khi in ra càng nhiều tiền thì lạm phát là kết quả.

Dựa theo Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, chỉ số CPI đo lường lạm phát trong năm 2021 chỉ là 1.84%. Còn năm 2022 thì ước tính sẽ làm tầm 4% nhưng số liệu chưa được công bố. Nghĩa là theo định nghĩa phổ biến trong kinh tế học, hàng hóa chỉ tăng giá bình quân 1.84%. Hay nhìn ngược lại, tiền chỉ mất giá ở mức thấp tương tự.

Nhưng điều này khó mà thuyết phục nhiều người. Đơn giản vì giá cả xung quanh họ liên tục tăng một cách khó hiểu. Dựa theo khảo sát của báo VNExpress thì những hàng tiêu dùng chính đã tăng 15 đến 20% trong năm 2021.

1. Đường cát trắng từ 18,000 lên 30,000 VND/kg. Tăng 67%.

2. Nước mắm từ 25,000 lên 32,000 VND/chai. Tăng 28%.

3. Gạo từ 15,000 lên 16,000 VND/kg. Tăng 6.7%.

Điều này hoàn toàn ngược lại với chỉ số CPI 1.84%.

Vậy nguyên nhân là gì. Chỉ số CPI hay giá cả đang đi theo cung cầu thị trường quá nhanh?

Để hiểu thì chúng ta phải phân tích CPI là gì.

1. CPI, hay Consumer Price Index, là chỉ số các kinh tế gia và học giả dùng để đo lường lạm phát.

2. CPI là một rổ hàng hóa với giá cả được đo từ thời điểm khác nhau.

3. CPI không chính xác là mức lạm phát, nó chỉ cho thấy rổ hàng hóa được chọn đã tăng giá bao nhiêu.

Vậy nó được thực hiện như thế nào.

Dựa theo câu trả lời của phó tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến và trang web của tổng cục thống kê Việt Nam thì như sau.

1. Việt Nam tính CPI dựa theo hướng dẫn của Tổ Chức Lao Động Thế Giới [ILO] từ năm 1995 cho đến nay.

2. Có 752 mặt hàng được tính trong rổ hàng hóa.

3. Có 11 loại hàng hóa và mỗi cái có tỷ trọng khác nhau trong rổ. Lớn nhất là đồ ăn thức uống chiếm 39%, điện nước 10% và đồ dùng gia đình 8%. Sau đó là những chi phí như dịch vụ y tế, giao thông và giáo dục.

4. Mỗi tháng, cán bộ ở các khu vực địa phương sẽ khảo sát và báo cáo lại cho tổng cục thống kê.

Nhưng vậy cũng không thể giải thích được vì sao có sự chênh lệch quá lớn giữa CPI và giá cả hàng hóa ngoài đời. Bất cứ người dân nào khi đi chợ, đi ăn hay đi chơi cũng thấy được giá đã tăng chóng mặt chứ không là một con số.

Có vài giả thuyết nhằm giải thích.

1. Cán bộ khảo sát mặt hàng cố định chứ không đa dạng. Đây là lỗi lựa chọn.

2. CPI luôn đi sau sự tăng giá hiện tại vì cần vài tháng mới được đưa vào thống kê mới.

Dù nguyên nhân là gì đi nữa thì mức lạm phát ở Việt Nam trong năm 2021 không thể nào là 1.84% được. Nó phải cao hơn rất nhiều, ít nhất là chục phần trăm. Một tô phở bây giờ đã là 50,000 VND, lít xăng bây giờ là 30,000 VND và giá nhà đất thì vượt tầm kiểm soát. CPI không phải là lạm phát, nó chỉ cho thấy sự tăng giá của những mặt hàng được chọn.

Cuối cùng thì mức lạm phát ở Việt Nam thực sự là bao nhiêu? Bạn có thể tự đo bằng cách so sánh giá tô phở, ổ bánh mì, ly trà sữa hay bất cứ sản phẩm nào đã tăng bao nhiêu so với năm ngoái. Khỏi cần phải nói thì chúng ta cũng công nhận rằng lạm phát thật cao hơn con số CPI rất nhiều.

Nguyễn Trọng Nhân | Bóc Phốt Tài Chính, 18.3.2021