Lãi suất kép và phát triển tích lũy

Lãi suất kép và phát triển tích lũy | Để phát triển bản thân về mặt tài chính, một doanh nghiệp hay thậm chí một nền kinh tế thì tất cả đều phải làm theo quy trình tích lũy, sản xuất và tái đầu tư. Đó là quy luật và gần như không có cách nào khác mà tôi biết được.

Đây là bài học về Lãi Suất Kép và sự phát triển tích lũy. Khi bạn đã hiểu cách nền kinh tế vận hành thì có thể áp dụng nó cho chính mình. Rồi khi hàng triệu người cùng làm, chúng ta có nền kinh tế phát triển. 

Ở trường và trong sách thì Lãi Suất Kép được miêu tả như sau.

  1. Bạn có 100đ để vào ngân hàng.
  2. Họ trả lãi suất 7%.
  3. Cuối năm bạn có thêm 7đ.
  4. Tài khoản bây giờ là 107đ.
  5. Bạn tiếp tục với 107đ đó vào năm thứ 2.
  6. 7% của 107đ là 7.49đ.
  7. Đầu năm 3, tài khoản bạn có 114.49đ.

Nếu tiếp tục 50 năm thì 100đ kia sẽ biến thành 2,945đ. Từ số tiền nhỏ, theo thời gian và Lãi Suất Kép nó được biến thành số tiền lớn.

Albert Einstein gọi đây là “Kỳ quan thứ 8 của thế giới.” 

Nhưng giải thích như vậy thì e rằng chưa đủ vì nó không cho thấy cách kinh tế vận hành vì tiền không thể nào đến từ hư vô được mà giá trị phải xuất phát từ đâu đó.

Hãy hình dung cách để phát triển một doanh nghiệp thì sẽ rõ hơn.

  1. Bạn có 100đ vốn và đầu tư mở doanh nghiệp.
  2. Bạn sản xuất, kinh doanh, có doanh thu và lợi nhuận. Năm đầu thu về 50% là 50đ. Sau khi trừ chi phí thì còn 20đ.
  3. Bạn dùng lợi nhuận dư đó để tái đầu tư. Doanh nghiệp bây giờ có quy mô lớn hơn. Trong trường hợp này à 120đ.
  4. Năm thứ 2, 50% của 120đ là 60đ. Sau khi trừ chi phí thì còn 24đ.
  5. Vốn được tái đầu tư, bây giờ quy mô là 144đ. Tiếp tục và doanh nghiệp ngày càng lớn dần.

Thực tế phức tạp hơn nhưng có thể hiểu đơn giản. Cứ như vậy, chúng ta phát triển dù là một cá nhân nhỏ bé hay một tổ chức to.

Nhưng như vậy thôi chưa đủ. Để Lãi Suất Kép thành công thì phải kèm theo những điều sau.

  1. Lạm phát phải ở mức ổn định và thấp hơn hiệu suất đầu tư. Ví dụ nếu mỗi năm lời 10% thì lạm phát nên là 2%, còn lại 8% là tăng trưởng giá trị thật. Vì nếu không thì bao công sức cũng tan biến.
  2. Quốc gia đó phải có môi trường kinh doanh trong sạch, công bằng và ổn định. Vì không ai muốn đầu tư dài hạn ở một nơi bất ổn cả. Nước Mỹ và Châu Âu sau Thế Chiến Hai là ví dụ. Sau khi thiết lập hòa bình thì đã chứng kiến thời gian phát triển yên bình nhất, kéo dài từ 1945 đến nay đã hơn bảy thập niên.
  3. Doanh nghiệp phải phát triển liên tục không ngừng đổi mới, cải tiến và đáp ứng với thời đại.
  4. Người chủ phải tái đầu tư vốn vào hoạt động để tăng quy mô. Nếu không thì nó dậm chân tại chỗ.

Một quốc gia cũng vậy. Xét về nhiều mặt thì nó không khác gì một doanh nghiệp khổng lồ với hàng triệu người làm nhân viên và một số ít gánh vai trò điều hành.

Để nâng tầm và quy mô thì cũng phải làm tương tự. Sản xuất và tái đầu tư. Muốn đạt đến thịnh vượng thì phải sản xuất sản phẩm và dịch vụ. Khi có đủ nhiều của cải, đó là sự dư thừa và dấu hiệu của giàu có. Những Singapore, Hàn Quốc, Israel hay bất cứ nơi nào cũng làm theo quy trình này để thoát nghèo. 

Nhưng đó là nếu họ làm theo. 

Còn khi một quốc gia đi ngược lại với nguyên lý này thì khó mà đi đến đâu. Tiền chỉ có giá trị khi có hàng hóa và dịch vụ để đổi lấy. Nếu thay vì sản xuất, chúng ta dồn tiền vào hoạt động đánh cược thì đó không phải là phát triển mà chỉ là chuyển tiền từ tay này sang tay khác. Kết quả là đi từ tay trắng đến hư vô. 

Bạn không cần đi trước thời gian để thấy trước kết quả.

Bóc Phốt Tài Chính | 07.4.2021

Leave a Comment