Lãi suất âm, ngân hàng Châu Âu trả tiền cho người vay | Nếu được “ngân hàng trả lãi khi vay” thì tôi thề là bản thân sẽ mua thế chấp càng nhiều căn nhà càng tốt trước khi người khác làm. Nhưng sự thực hoàn toàn ngược lại. Bài báo được dịch từ Wall Street Journal và dễ gây nhiều lầm về cái gọi là “Lãi suất âm” [Negative interest rate].
Trước khi vô vấn đề thì nên hiểu nó là gì.
- Lãi suất bình thường | Bạn tiết kiệm tiền và được trả lãi, bạn vay tiền và phải đóng lãi.
- Lãi suất âm | Theo lý thuyết thì bây giờ đổi ngược lại. Người tiết kiệm phải trả thêm tiền [hoặc bị trừ] và người vay tiền thì được trả lãi.
Vậy nếu điều này đúng thì các ngân hàng sẽ phá sản ngay. Chưa kể là hàng triệu người sẽ đua nhau vay để hưởng tiền miễn phí “từ trên trời rơi xuống.”
Đây là ngộ nhận chết người.
- Chỉ mức lãi “qua đêm” của các ngân hàng là âm. Nghĩa là Ngân Hàng Nhà Nước [NHNN] thu phí với số tiền dư trong tài khoản ở các ngân hàng thương mại.
- Mức âm đó chỉ là tạm thời chứ không cố định và làm ở quy mô lớn được.
- Các ngân hàng lấy số tiền đó và tính thêm lãi rồi cho vay. Bài viết dùng trường hợp ở Portugal và Denmark, lãi suất thế chấp nhà của họ bây giờ là 1.33% và 1%.
- Nhưng không phải ai cũng được hưởng mức đó, thường là các gói vay thế chấp, an toàn và có điểm tín dụng cao. Chưa kể là chỉ một số ít và thời hạn tạm thời chứ không kéo dài.
- Khi người dân mua nhà trả góp thì mỗi tháng vẫn phải trả tiền gốc và lãi cho ngân hàng. Nếu có lãi suất âm qua đêm thì ngân hàng sẽ “trừ” số tiền gốc dần dần, nếu áp dụng. Nhưng nếu bạn đi vay thì vẫn phải trả tiền. Chưa kể là họ tính phí quản lý vì đó là cách kiếm lời.
- Thực chất thì ngân hàng không có trả người vay tiền gì cả. Họ chỉ lấy tiền dư [của người tiết kiệm] và đưa cho người vay. Về thuyết là vậy nhưng không áp dụng hoàn toàn.
- Ví dụ ngân hàng cho bạn vay $100,000 với lãi suất âm tạm thời. Mỗi tháng bạn phải trả [ví dụ] $500, tiền gốc còn $99,500. Sau đó ngân hàng “trừ” một chút ít, ví dụ $10. Tiền gốc vay của bạn giờ là $99,490. Sau này khi lãi suất tăng thì họ sẽ lời lại, chứ không ai ngu đốt tiền và cho không.
Sở dĩ có hiện tượng này là vì các ngân hàng nhà nước đang đua nhau in tiền và hạ lãi suất để kích thích kinh tế bằng cách tăng lạm phát. Học thuyết Keynes đang đẩy giá tài sản lên và tạo hiện tượng đầu cơ không cần thiết.
“Lãi suất âm” là một ngộ nhận nguy hiểm vì nó khiến người ta nghĩ rằng “vay tiền sẽ không tốn gì mà còn được trả lại.” Nếu vậy thì hệ thống tài chính sẽ sụp đổ ngay.
Bóc Phốt Tài Chính | 27.3.2021