Kinh tế gia công và kinh tế tri thức, chuyện con ốc vít của Việt Nam

Cái ốc vít là một linh kiện siêu nhỏ, bạn có thể tìm thấy nó ở bất cứ đâu. Nhiều lúc bạn cũng không để ý đến. Trông vô tội, khi bàn về chủ đề kinh tế, nó lại biến thành một biểu tượng để đôi bên phân cực quan điểm của mình.

Câu chuyện bắt đầu với lời phát biểu của ông Phan Đăng Tuất, chủ tịch Hiệp Hội Công Nghiệp Hỗ Trợ Việt Nam [VASI].

Khi được hỏi về liệu Việt Nam có công nghiệp ô tô chưa, ông đã nhận xét như sau:

“Trên một chiếc ô tô hiện nay có hơn 20.000 chi tiết linh kiện, cần tới hơn 200 mã kim loại. Hiện nay các doanh nghiệp tại Việt Nam chưa thể chế tạo được một mã kim loại nào trong tổng số 200 mã đó. Chúng ta chỉ mới làm được cái ốc vít bắt biển số xe”.

Có nghĩa là cho đến nay, Việt Nam chỉ có thể làm gia công lắp ráp xe hơi, chứ chưa thể tự chế tạo. Thứ duy nhất có thể tự sản xuất chính là con ốc vít tí hon.

Điều này có đúng không?

Để có cái nhìn công bằng, chúng ta phải hiểu rằng không có công ty nào có thể tự sản xuất linh kiện trong phạm vi nội địa.

  • Toyota nói rằng những chiếc xe được sản xuất ở Mỹ được lắp ráp từ 60% linh kiện địa phương, phần còn lại phải được nhập.
  • Mức bình quân của toàn ngành xe hơi là 52%.
  • Ngay cả Tesla cũng phải nhập 50% linh kiện để làm ra chiếc Model 3.

Nói đơn giản, với hơn 20,000 linh kiện lớn nhỏ, không một công ty nào có thể tự sản xuất. Nếu có thì giá sẽ bị đội và sẽ không tối ưu về sản xuất. Việt Nam cũng vậy.

Để phản bác lại quan điểm rằng “Việt Nam cho đến nay chỉ làm nổi con ốc vít,” dư luận lại cho rằng

“Không nên có tư duy cái gì mình cũng cần tự làm” hay “Cứ nghĩ phải làm hết mọi thứ thì muôn đời hít khói.”

Mỗi doanh nghiệp chỉ chuyên về một sản phẩm. Mỗi vùng chỉ chuyên về một ngành. Sẽ là hoang tưởng để gánh hết mọi thứ vì tự lực không khác gì tự sát. Như Adam Smith giải thích, “Sự tập trung hóa trong công đoạn sản xuất là điều tự nhiên của các con người trong thị trường.”

Nhưng, nói như vậy sẽ không đủ. Vì tuy tất cả công đoạn đều quý giá nhưng về mặt giá trị tài chính thì không. Một kỹ sư và một công nhân dù cùng tạo ra một sản phẩm, nhưng giá trị đóng góp thì quá chênh lệch.

Nếu công bằng thì sẽ không có khoảng cách giàu nghèo và thu nhập. Chỉ an phận với sự cố định thì sẽ không thể nào có sự phát triển.

Không nên có tư duy cái gì mình cũng cần tự làm, nhưng phải có tư duy sáng chế. Ngay lúc này, chúng ta cần hiểu về khái niệm:

  • Kinh tế gia công: sự tận dụng của bàn tay và cơ thể.
  • Kinh tế tri thức: sự tận dụng của tư duy và sáng tạo.

Chuyện chiếc iPhone

Theo GSMArena:

  • iPhone có tầm 178 linh kiện, bây giờ đã nhiều hơn.
  • Trong đó, Mỹ chiếm 32% linh kiện, Hàn Quốc chiếm 24%, Nhật chiếm 10%, Trung Quốc chiếm 3.8% và các nước khác chiếm 20%.
  • Tất cả đều phải được vận chuyển sang Trung Quốc, và sau này có thể là Việt Nam, để được lắp ráp.
  • Chi phí gia công lao động chỉ chiếm tầm 2% trong tổng giá bán chiếc iPhone.
  • Chi phí linh kiện chiếm 33%, nghiên cứu 14% và lợi nhuận chiếm 51%.

Không ai có thể tự làm mọi thứ. Ngay cả Apple khi làm iPhone cũng phải liên kết với các công ty của Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc. Minh chứng là khi lật để xem đằng sau của mỗi chiếc iPhone, bạn sẽ thấy chữ “Designed by Apple in California. Assembled in China” [Thiết kế bởi Apple ở California. Lắp ráp ở Trung Quốc].

Đó là tuy được sản xuất ở Trung Quốc, nhưng bản quyền và hơn 200 bằng sáng chế lại thuộc về Apple ở Mỹ. Để tối ưu chi phí và hoạt động sản xuất, đối tác Foxconn của Apple chọn tập trung sản xuất ở Thâm Quyến và Trịnh Châu, thay vì Los Angeles.

Nếu không có những công nhân gia công Trung Quốc kia, Apple có thể chuyển nhà máy sang Việt Nam, Ấn Độ hay bất cứ nơi đâu. Còn nếu không có sáng chế của Apple, Trung Quốc sẽ không thể tự hợp pháp làm ra iPhone được.

Đó là sự khác biệt giữa kinh tế gia công và tri thức. iPhone chỉ là một trong hàng vạn sản phẩm khác. Tai nghe AirPod, laptop, bóng đèn, hay thậm chí là cọng USB.

Chuyện chiếc giày Nike

Một ví dụ khác là chiếc giày Nike ở Việt Nam.

  • Nike của Mỹ bán đôi giày thể thao $100.
  • Việt Nam làm gia công được trả $4.63.
  • Tổng chi phí sản xuất là $21.
  • Họ lấy hàng đó đem qua Mỹ bán với giá $100. Trong đó $24 là cho nhà bán lẻ. Còn Nike lời $50.

Nghĩa là trong tổng giá trị, người làm chất xám giữ 74%, còn người làm gia công chỉ được trả 4%. Chênh lệch tận 16 lần.

Tuy được sản xuất ở Việt Nam, nhưng công nhân chỉ nhận được tiền lương bèo bọt trong tổng giá trị. Vì phần sáng chế và thương hiệu nằm ở Mỹ. Nike tuy không tự làm được tất cả, nhưng họ nắm thứ quan trọng nhất.

Một lần nữa, đó là sự khác biệt giữa kinh tế gia công và kinh tế tri thức. Lao động là thứ bất động, chỉ khi có tri thức điều hành, giá trị mới được tạo ra

Chuyện kinh tế Việt Nam

Nhìn lại kinh tế Việt Nam. Chúng ta nắm phần nào trong chuỗi giá trị sản xuất. Như miêu tả trên, rất thấp, chỉ 2 đến 4% mà thôi.

Nói vậy không phải để chê bai đất nước, mà là giải thích vụ việc. Việt Nam trong mắt doanh nghiệp quốc tế, là địa điểm gia công giá trị thấp. Xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến khi chúng ta tự lực sở hữu sáng chế để nâng cao vị thế.

Để lặp lại câu ở trên, chúng ta không cần làm tất cả, nhưng phải nắm phần gốc và sáng chế.

Nhưng cho đến nay, Việt Nam đã có những gì.

Có gì quý giá về những chiếc xe X và điện thoại B đang được coi là biểu tượng? Hay chỉ là đi tắt đón đầu, mua thiết kế, nhập linh kiện, ghép vô rồi tự hào gắn mác “Made In Vietnam” lên.

Lợi thế cạnh tranh của chiếc xe X mà chúng ta đang tự hào và thổi phòng là gì?

  • Giá cả? Không hề. Vì với giá $57,000, nó đắt hơn chiếc Tesla 3 với giá chỉ $53,000.
  • Thiết kế? Cũng không. Vì nó được mua về từ Ý. Các hãng khác cũng làm được, thậm chí là tốt hơn.
  • Sáng chế? Nghĩa là chỉ Việt Nam mới làm được. Còn Trung Quốc, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc thì không?
  • Linh kiện? Trong tổng tầm 20,000 linh kiện, Việt Nam chỉ tự làm được mỗi con ốc vít.

Cho đến nay, Việt Nam gần như không có sản phẩm hay thương hiệu nào vươn tầm quốc tế. Vì về cơ bản, chúng ta chỉ làm gia công và nắm phần giá trị thấp nhất.

Không có công nhân Việt Nam, những Nike và Samsung vẫn có hàng tá lựa chọn khác. Nhưng nếu ngược lại, các nhà máy Việt Nam sẽ không tự làm ra được những chiếc giày Nike và điện thoại Samsung.

Kết luận

Hãng xe không cần tự làm ra con ốc vít, công ty điện thoại không cần tự sản xuất màn hình, nhưng để tồn tại lâu dài thì cần sở hữu cái sáng chế để biến những ý tưởng thành vật hữu hình. Đó là nếu họ muốn được biết đến là doanh nghiệp sáng tạo, chứ không phải là nhà máy gia công thuê.

Cho nên không thể có chuyện đi nhanh hay lối tắt. Giống như câu chuyện Trạng Quỳnh, thể hiện ít nhiều về tư duy của con người.

Ngày xưa có cuộc thi vẽ nhanh, ai vẽ nhiều và nhanh nhất là người thắng cuộc.

  • Chàng người Trung Hoa vẽ con rồng cả buổi.
  • Còn anh Trạng Quỳnh của xứ ta vẽ những cái vệt dài rồi nói đó là chục con giun đất. Sau đó tuyên bố chiến thắng.

Về lý thì đúng. Nhưng con giun không có giá trị gì cao cả. Lạ lùng thay, tư duy này vẫn tồn tại trong thời kinh tế hiện đại với mô hình nhập linh kiện rồi dán mác “Made In Vietnam.”

Ai cũng làm được kinh tế gia công vì sinh ra đã có tay chân. Nhưng nếu muốn vươn lên thành kinh tế tri thức thì cần thời gian, đầu tư, kiên nhẫn, học hỏi và sáng tạo.

Việc đánh tráo khái niệm không hề giúp ích gì mà còn kiềm hãm sự phát triển và khóa tư duy con người trong trạng thái tự hào ảo.

Bóc Phốt Tài Chính, 27.2.2022