Hệ thống hưu trí, cách con Tây trả hiếu cha mẹ

Khi nhắc đến khái niệm hiếu thảo, đa số chúng ta sẽ nghĩ đến việc ở chung với cha mẹ để phụng dưỡng hay như Đen Vâu hát “Mang tiền về cho mẹ.” Nghĩa là con cái không chỉ là người phải dùng tiền của mình để trả hiếu mà còn phải là người ở bên cạnh chăm sóc. Truyện cổ tích Việt Nam thì tràn đầy những câu chuyện về chàng trai hay cô gái bất chấp tất cả để lo cho người đã sinh đẻ ra mình.

Nếu con Việt làm vậy thì những đứa con Tây trả hiếu thế nào?

Người Phương Tây cũng rất hiếu thảo và trả hiếu cha mẹ nhưng cách suy nghĩ cũng như hành động thì rất khác. Nhiều thanh niên ra khỏi nhà tự lập từ lúc 18 tuổi và chỉ về thăm gia đình vài ngày mỗi năm. Họ có cuộc sống riêng và không muốn làm phiền cha mẹ.

Nhưng không như bạn nghĩ, họ vẫn hiếu thảo và đây là cách họ thực hiện điều đó.

Nó được mang tên “Hệ thống hưu trí.”

Có 3 mô hình chính:

  1. Bảo Hiểm Xã Hội.
  2. Quỹ Hưu Trí Cá Nhân.
  3. Hưu Trí Nhà Nước.

Mỗi cái đều có lợi và hại riêng, không có cái nào ưu việt hơn. Hiện tại thì đa số các nước Mỹ Âu đều áp dụng cả ba cùng lúc. Đây là cách nó hoạt động.

Bảo Hiểm Xã Hội – Cái tên có thể nghe rất quen vì Việt Nam chúng ta cũng có mô hình tương tự.

  1. Khi đi làm thì bạn và doanh nghiệp phải trích một phần của lương vào quỹ Bảo Hiểm Xã Hội. Ở Việt Nam hiện tại là 32% còn ở Mỹ 12.4%.
  2. Số tiền đó sẽ được cơ quan nhà nước thu giữ và đầu tư chủ yếu vào trái phiếu chính phủ.
  3. Khi bạn đến tuổi về hưu, ví dụ 60 hay 65 tuổi, thì có thể bắt đầu hưởng phúc lợi từ quỹ đó. Hiện tại số tiền hưu trí của một người Mỹ là $1,600 mỗi tháng. Nghe có thể là không nhiều nhưng khi về hưu thì vừa đủ có cuộc sống an lành.

Lợi là nó bắt ai đi làm cũng phải tham gia góp phần, bạn không thể nào thoát được trừ khi không đi làm hoặc tự kinh doanh. Còn mặt trái là nó gom chung vào một quỹ công nên bạn không thể tự quyết được. Nhưng đó là vì sự an toàn, không ai muốn đánh bạc với tiền về hưu của người dân cả.

Quỹ Hưu Trí Cá Nhân – Giống như tài khoản chứng khoán, đây là hình thức đa số người Mỹ Âu dùng để đầu tư cho hưu trí. Nó cũng y chang như tài khoản thông thường nhưng hoạt động khác một chút.

  1. Nó được miễn thuế lợi nhuận 20-50% hoặc hưởng mức ưu đãi nếu bạn rút khi đã đến tuổi về hưu. Ở Mỹ có IRA, 401k và ở Úc thì có Superannuation. Dù tên gọi là gì đi nữa thì hình thức cũng tương tự. Đây là cách chính phủ khuyến khích người dân tự lo cho tương lai.
  2. Bạn không được rút trước khi về hưu, nếu có thì sẽ bị đánh thuế hoặc phạt tiền. Chính vì điều này nên nhiều người giữ cổ phiếu lâu dài thay vì đầu cơ chụp giật.
  3. Nếu một người bình thường mỗi tháng góp vào $400 thì sau 30 năm sẽ có tầm $1 triệu đô. Đây chính là cách đa số người trở thành triệu phú thầm lặng.
  4. Hiện tại, ở Việt Nam chưa có hình thức ưu đãi này nhưng trong tương lai sẽ khác.

Lợi thế là nó tự nguyện và bạn có thể tự đứng tên để quyết định số tiền đó sẽ được đầu tư vào đâu. Còn mặt trái là vì đa số người không có kiến thức tài chính nên hay đầu tư sai, dẫn đến thua lỗ và mất sạch tiền về hưu.

Hưu Trí Nhà Nước – Khác với hai mô hình kia, vốn được tính theo số tiền lương bạn nhận và số tiền bạn góp khi đi làm, hưu trí nhà nước không yêu cầu điều kiện gì. Đây là số tiền bạn sẽ nhận được khi đến tuổi về hưu. Nó rất thấp, chỉ đủ để mua đồ ăn. Ví dụ, ở Anh thì số tiền hưu trí nhà nước cơ bản là $230 mỗi tuần.

Những cái trên chỉ là một phần nhỏ vì không phải ai cũng đóng góp đủ tiền để khi về hưu nhận lại một mức đủ sống. Đó là vì sao người già ngoài nhận tiền hưu trí ra thì còn được hưởng y tế miễn phí, trợ cấp nhà ở và trợ cấp đồ ăn. Chưa kể vì người già không còn sức lao động nữa nên phải có người đi làm để đóng thuế, và số tiền đó được dùng để chi trả cho những phúc lợi trên.

Vậy những người đó là ai? Chính là các bạn trẻ và những người con đang thay mặt cha mẹ mình góp phần cho xã hội.

Ở Việt Nam thì mô hình hưu trí chưa phát triển cho nên chúng ta còn thấy nhiều người già phải bán vé số hay ăn xin trên đường phố. Các con Việt vì vậy nên phải dùng tiền của mình để trả hiếu cha mẹ.

Còn ở những quốc gia phát triển khác, họ vẫn trả hiếu nhưng thông qua mô hình hưu trí tập trung, như nói trên. Từ mỗi lần đi khám bệnh cho đến nhà ở. Tất cả những thứ đó đều được gánh bởi những người trẻ và họ không hề cảm thấy lãng phí mà luôn muốn duy trì.

Đó là cách con Tây trả hiếu cha mẹ.

Nguyễn Trọng Nhân | Bóc Phốt Tài Chính, 06.3.2022