Giá Inbox, tại sao các shop bán hàng online lại dùng?

Giá Inbox, tại sao các shop bán hàng online lại dùng?

Nếu bạn thường xuyên lên mạng xã hội thì đây là một cảnh quen thuộc. Đang lướt Facebook xem bảng tin, chợt nhìn thấy một bài quảng cáo của 1 fanpage bán hàng về thời trang,đồ điện tử hay thiết bị gì đó. Theo miêu tả, hình ảnh thì nó phù hợp với nhu cầu và thị hiếu. Thế là quyết định muốn mua.

Rồi đột nhiên, bạn thấy một dòng chữ làm mất hết cả hứng.

“Giá cả inbox” hay “Inbox để biết giá.”

Vậy là từ một sản phẩm trông ưng ý, bạn lướt và mặc kệ nó vì thấy việc inbox mới biết được giá quá phiền. Trước khi phân tích thì phải nói vì sao mình cực ghét cái “Inbox để nhận báo giá” này.

1. Nó mất thời gian. Mình nhắn tin, xong họ phản hồi sau vài tiếng. Lúc đó thì đang bận làm gì đó rồi nên bỏ quên không đọc luôn.

2. Nó làm việc mua bán và so sánh trở nên mệt mỏi không cần thiết. Giống như đi chợ, mỗi lần muốn mua cái gì là phải hỏi giá. Xong rồi cái cô bán hàng đứa ra giá khác nhau dựa vào mức độ “nai tơ” của người hỏi. Khi biết giá mà không mua thì sẽ rất kỳ.

Là một người làm trong ngành thương mại điện tử, mình hoàn toàn hiểu cho đôi bên, cả người bán và mua. Từ góc nhìn khách hàng thì việc “Inbox để hỏi giá” là một điều làm họ cảm thấy rất phiền và bực. Vậy mà bây giờ vẫn còn nhiều shop áp dụng phương thức tiếp cận này.

Nhưng nguyên nhân là gì. Đây là logic của người bán online.

1. Câu tương tác. Khi đăng bài trên Facebook hay đâu đó, mỗi lần có ai gõ comment hỏi giá thì nó sẽ tăng mức độ hiển thị. Hay ít ra là người bán nghĩ như vậy.

2. Có yếu tố để kết nối với khách. Khi một ai đó inbox hỏi giá thì như có được một khách hàng tiềm năng. Người bán biết họ là ai và có nhu cầu. Nếu hỏi xong mà không mua thì nhân viên có thể nhắn tin để thuyết phục tiếp.

3. Tránh đối thủ phá giá. Dù không có con số cụ thể nhưng bất cứ ai làm kinh doanh cũng khẳng định là hầu hết hàng bán online đều nhập từ Trung Quốc về. Nghĩa là tất cả đều có chung một mức sàn, chỉ khác nhau ở người bán và mức giá họ tự quyết. Khi không có điểm khác biệt thì giá cả trở thành yếu tố cạnh tranh.

Mình đã làm việc với các cửa hàng lẫn bên chăm sóc khách hàng và có thể tự tin cho rằng đó là suy nghĩ hết sức sai lầm hoặc không cần thiết.

Bây giờ có quá nhiều cửa hàng và bắt khách inbox để biết giá chỉ làm họ tốn công sức. Họ sẽ lướt chứ không quan tâm đến. Không tin thì bạn có thể hỏi.

Nếu ai đó muốn biết giá thì chỉ cần tìm kiếm vài phút là ra. Cho nên không thể nào giấu được. Chưa kể bây giờ khách hàng muốn sự minh bạch và tiện lợi. Giá cả công khai là một trong những điều đầu tiên họ muốn thấy.

Những shop trên Facebook chưa chắc gì bán với giá cạnh tranh so với ở trên các trang Thương mại điện tử như Tiki, Lazada hay Shopee. Không tin thì bạn có thể tự kiểm tra, hãy gõ bất cứ sản phẩm nào để so giá. Trừ khi sản phẩm đó độc quyền và đặc biệt thì ai cũng có thể bán được.

Ở đây không nói làm vậy là sai hay đúng vì mỗi người có cách bán hàng riêng. Nhưng từ góc nhìn của người mua, việc inbox hỏi giá chỉ làm khách hàng thêm bực bội. Đó là điều cần suy nghĩ lại.

Đây chỉ là quan điểm cá nhân, mình thấy ai bán hàng mà “Giá cả inbox” thì sẽ lướt ngay và tin là nhiều bạn cũng vậy.

Mình là Phương Anh, cảm ơn bạn đã theo dõi.

Bóc Phốt Tài Chính | 05.1.2022