FE Credit, chức năng của tín dụng và văn hóa đòi nợ | Tôi hoàn toàn đồng rằng cho vay tín chấp thì phải đòi nợ nhưng thiết nghĩ nên coi lại cách cư xử. Sự khác biệt giữa giang hồ và công ty là một bên vô văn hóa, còn một bên làm theo pháp luật.
FE Credit hay bất cứ tổ chức cho vay trả góp nào đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Họ kết nối tiền với người cần nó và đóng chức năng giải quyết nhu cầu mua sắm vào thời điểm hiện tại nhằm tiết kiệm thời gian.
Ví dụ, bạn là một nhân viên IT cần laptop 30 triệu nhưng chỉ có 10 triệu tiền mặt. Bạn có thể để dành nhưng bây giờ không thể nào, vì công việc không chờ. Thế là mua trả góp với lãi, nhờ vậy mà có dụng cụ làm việc. Tôi thà thấy người đó vay tổ chức chuyên nghiệp thay vì nhóm côn đồ.
Nó chỉ xấu khi bạn mua hàng tiêu dùng rồi không tạo ra cái gì. Đây là điều không nên khuyến khích vì lãi suất sẽ kiềm chế sự phát triển của bạn. Nhưng buồn thay, đối tượng chính lại là những người mua để thỏa mãn bản thân thay vì dùng với mục đích có ích.
Bạn mình làm cho một tổ chức dịch vụ tín dụng ở Úc, chuyên đòi nợ thẻ tín dụng xấu [khách không trả nên ngân hàng giao cho công ty khác], đây là cách xứ văn minh giải quyết tình huống này. Vô cùng tế nhị, lịch sự nhưng cứng rắn.
- Mỗi người sẽ có một hồ sơ lý lịch và điểm tín dụng [Credit profile và score]. Điểm cao hay thấp phụ thuộc vào việc bạn có trả nợ đúng hạn không. Coi đó là “Điểm uy tín cá nhân” của bạn.
- Các công ty tài chính dựa vào hồ sơ đó để quyết định cho bạn vay nhiều hay ít, lãi suất cao hay thấp và được duyệt hay không. Chỉ cần gõ là ra, bạn cũng có thể tự tìm điểm của mình.
- Nếu bạn trả chậm hoặc cố tình không trả thì điểm sẽ giảm. Ngân hàng hay công ty sẽ gửi email, thư và điện thoại để nhắc. Nhưng sẽ không ai kéo tới nhà đòi hay sách nhiễu cả, họ chẳng cần làm vậy.
- Nếu càng không trả thì số tiền lãi sẽ càng tăng. Thẻ tín dụng với mức 20-30% là quá cao rồi. Họ sẽ tạo điều kiện để bạn vay từ chính ngân hàng đó với lãi suất thấp hơn rồi trả góp từ từ.
- Nếu đòi hoài không được thì họ sẽ bán nợ cho công ty khác. Còn nếu mà bạn quá “lỳ” thì điểm tín dụng và hồ sơ của bạn sẽ lọt vào danh sách “đen.” Lúc đó bạn sẽ không thể vay ở bất cứ nơi đâu cả. Vết dơ đó sẽ nằm trong lý lịch trong thời hạn 5-7 năm, đủ để gây bao thiệt hại. Bạn sẽ không được mua nhà, mua xe hay vay vốn. Cuộc sống sẽ khó vô cùng.
Vay tín chấp có lãi suất cao vì trong đó chứa rủi ro khách “không trả.” Đó cũng được coi là lời rồi. Không cần phải làm gì thêm.
Tôi thì không rành cơ chế ở Việt Nam vì bản thân chỉ mua trả góp đúng một lần và trả đúng hạn. Nhưng thiết nghĩ các công ty tín dụng như FE Credit không cần phải đối xử tệ làm gì. Chỉ cần đưa lý lịch của khách vô danh sách đen thì đủ trừng phạt rồi. Họ sẽ không được vay ở đâu nữa cho đến khi trả hết nợ.
Lúc đó, FE Credit có thể kiếm lời bằng cách chinh phục khách khác tiềm năng hơn. Tạo niềm tin và hình ảnh tích cực thì người ta sẽ vay nhiều hơn. Số tiền đó sẽ gấp bội phần nợ xấu.
Bóc Phốt Tài Chính | 25.3.2021