EVN lỗ thì ai hưởng lợi?

Trong năm 2022, Điện Lực Việt Nam [EVN] lỗ hơn 26,000 tỷ đồng, tương đương $1,113 triệu. Có hai luồng dư luận phản ứng.

  • Bên ủng hộ EVN cho rằng sở dĩ lỗ là vì doanh nghiệp nhà nước phải bán điện thấp hơn mức thị trường. Họ hoàn toàn có thể tăng giá điện, nhưng nếu làm vậy thì người dân sẽ trả thêm tiền. Nghĩa là chúng ta nên mừng khi EVN lỗ vì có nghĩa họ là đang làm công ích thay cho người dân.
  • Bên phản đối EVN cho rằng đây là kết quả của độc quyền và quan liệu. Khi một doanh nghiệp chiếm gần toàn thị trường với tất cả ưu đãi có thể mà lỗ, thì chỉ có thể là kém hiệu quả.

Vậy ai đúng?

Để giải thích vấn đề, bạn cần hiểu sơ về thuyết doanh nghiệp nhà nước. Khác với khối tư nhân, vốn theo đuổi lợi ích, doanh nghiệp nhà nước chỉ có một mục đích duy nhất: dùng tiền ngân sách để phục vụ công chúng.

Có 3 thành phần chính:

  • Cổ đông: người bỏ vốn và chấp nhận rủi ro.
  • Người quản lý: các đối tác và nhân viên.
  • Người sử dụng: doanh nghiệp và người dân.

Trong điều kiện lý tưởng nhất, mức lời lỗ của nó nên là 0 đồng. Không lời, cũng không lỗ, tất cả đều hoàn về vị trí cũ.

Chính khái niệm đó mới tạo ra tư duy rằng “Doanh nghiệp nhà nước lỗ thì nghĩa là họ đang gánh chi phí cho người dân.” Như năm gần nhất, lỗ 26,000 tỷ có nghĩa là người dân khỏi phải tốn số tiền đó.

Nhưng khái niệm đó có vấn đề.

Nó chỉ đúng nếu [1] Cổ đông và [2] Người dân là riêng biệt, như doanh nghiệp tư nhân. Còn đối với các quốc doanh, cơ chế hoạt động ngược lại.

  1. Người dân đóng thuế vào ngân sách.
  2. Tiền ngân sách được dùng để lập EVN.
  3. EVN dùng tiền ngân sách để cung cấp điện.
  4. Nếu lời, EVN hưởng, đồng nghĩa với cổ đông EVN hưởng, đó cũng là người dân.
  5. Nếu lỗ, EVN gánh, đồng nghĩa với cổ đông EVN gánh, đó cũng là người dân.

Nhưng sau tất cả, ai là người thực sự hưởng lợi?

  • Người quản lý: họ được hưởng lương.
  • Đối tác EVN: họ được hưởng doanh thu.
  • Người sử dụng nhiều điện: vì được trợ cấp bởi người sử dụng ít điện hoặc không sử dụng.

Người dân, hay cổ đông thực sự của EVN hoàn toàn nằm ngoài vùng lợi ích này. Dù EVN lời hay lỗ thì người gánh chịu cuối cùng vẫn là người dân, trừ khi họ có nguồn vốn từ nơi khác.

Cái gọi là “hy sinh” hay “gánh lỗ” không chỉ là khái niệm vô nghĩa, mà còn là sự đánh lừa nhận thức. Chừng nào EVN không dùng tiền thuế người dân và hoạt động độc lập, đó mới là gánh lỗ.

Nội dung trên là quan điểm cá nhân.

Bóc Phốt Tài Chính, 17.4.2023