Phim Mắt Biếc có nhiều cảnh gây ấn tượng. Từ hình ảnh Huế xưa, chợ làng cho đến sân ga của chuyến tàu cuối cùng. Tất cả làm người xem nhớ lại mối tình và nụ hôn đầu. Nhưng có một đoạn mình nhớ nhất.
“Rồi sao hả Ngạn? Rồi Ngạn có lo được cho người ta không? Mà, mà người ta có để cho Ngạn lo cho người ta không? Ngạn có biết Hồng đã phải từ chối bao nhiêu cái đám dạm hỏi rồi không? Vài ngày nữa Hồng sẽ vào Sài Gòn, không mắc kẹt ở cái làng này nữa, một mình Ngạn mắc kẹt ở đây là đủ rồi!”
Nhân vật Hồng không có trong cuốn tiểu thuyết cùng tên, mà chỉ được đạo diễn thêm vào phim để nhấn mạnh tâm lý si tình của chàng trai chính. Khi coi xong thì nhiều người sẽ tự hỏi, “Cô diễn viên này là ai và từ đâu đến?”
Một cú gõ trên Youtube sẽ cho thấy kết quả không phải là nội dung điện ảnh, mà các clip hùng biện tiếng Anh. Với điểm thi IELTS gần tuyệt đối, gương mặt khả ái, giọng nói nhỏ nhẹ, phát âm trong veo, và cách trình bày đủ khiến gấu bắc cực cũng phải mỉm cười, cô ta là một ngôi sao và tấm gương cho các bạn trẻ nào muốn theo đuổi ngoại ngữ.
Nếu không nói thì dễ bị lầm tưởng là một người đang sống ở một đất nước khác. Nhưng cũng như ổ bánh mì và cà phê sữa đá, cô ta sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn.
Nhưng nếu chỉ có vậy thì không giải thích được sự thành thạo ngôn ngữ. Hay như Malcolm Gladwell giải thích, một tài năng không tự dưng xuất hiện mà nó là kết quả của quá trình.
- Sinh ra trong gia đình có cha mẹ là trí thức. Nhận thức được sự quan trọng của nắm ngôn ngữ toàn cầu, nên cha mẹ đã gửi con vào trường mẫu giáo của cô người Phillipines. Từ đó, nền tảng tiếng Anh được xây dựng từ bước đầu.
- Khi 7 tuổi, cô ta chuyển qua Úc học tập một năm khi cha mẹ nhận học bổng. Như một bông hóa được chăm sóc kỹ, trải nghiệm này củng cố nền tảng tiếng Anh có sẵn.
- Sau khi trở về, sự học tập này không ngừng, mà lại tiếp tục nâng cao.
Quy luật 10,000 giờ không phải lúc nào cũng đúng nhưng giúp giải thích ít nhiều. Nếu một đứa trẻ mỗi ngày học một ngoại ngữ vài giờ, nhân cho 365 ngày, kéo dài chục năm thì nỗ lực đó trở thành sự thành thạo mà chúng ta gọi là tài năng.
Bây giờ hãy thử coi lại tiểu sử của những ngôi sao IELTS coi quá trình có khác gì không. Họ có thể không sinh ra cùng thành phố, học cùng trường, nhưng tất cả đều học từ nhỏ để rồi biến nó thành sự tự nhiên.
Nói ra không phải để bác bỏ công sức, mà để chỉ ra rằng trong bất cứ lĩnh vực nào, sự khổ luyện là một trong những cách để trở nên tài giỏi, nếu không phải là duy nhất. Trong việc học tiếng Anh hay bất cứ ngoại ngữ nào cũng không là ngoại lệ.
Nhiều người khi thấy một phóng viên, nhà báo, diễn viên hay MC thể hiện lời nói trơn tru, sẽ cho rằng đó là tài bẩm sinh. Nhưng cái họ không thấy là hàng vạn giờ tập luyện. Nền tảng và môi trường là yếu tố quyết định.
Điều này tồn tại xung quanh nhưng chúng ta ít để ý tới.
- Trẻ em ở Úc, Mỹ hay Anh được sinh ra với ngôn ngữ đó là tiếng mẹ đẻ, cho nên họ nói tiếng Anh tự nhiên như học sinh Sài Gòn nói giỏi tiếng Việt. Nhưng không ai vỗ tay khen, “Tiếng Việt nó giỏi quá.” Bởi vì nó quá bình thường.
- Học sinh ở các trường quốc tế cũng tương tự. Được học tập trong môi trường song ngữ từ nhỏ cho nên nó trở thành phản xạ tự nhiên. Thay vì bị nhồi ngữ pháp, họ học ngoại ngữ thực sự. Đó là lợi thế để biến một người bình thường thành giỏi.
- Những bạn nào đi đu học cũng sẽ có kỹ năng ngoại ngữ tốt hơn. Đó là vì khi sống trong môi trường yêu cầu bạn phải sử dụng ngôn ngữ khác để giao tiếp, nếu không loại bỏ sự tự ti thì sẽ chết đói. Động lực đó, hay chính xác hơn là áp lực, thúc đẩy một cá nhân phải trau dồi mỗi ngày. Họ không tài giỏi gì hơn ai, bất cứ ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ có kết quả tương tự, trừ khi tự khóa mình trong căn phòng và cô lập với thế giới.
Ý chính ở đây là gì? Đó là tài năng thường là kết quả của quá trình kéo dài hàng năm tháng. Nếu bạn muốn giỏi một lĩnh vực nào đó, thì phải chịu đầu tư thời gian, và đó đã là một trong những lợi thế lớn nhất bạn có thể sở hữu.
Một hạt giống không thể nào trở thành cái cây nếu thiếu người tưới nước hay được gieo mầm đúng chỗ. Để rồi khi ngồi dưới bóng mát, chúng ta quên đi khoảng thời gian cần thiết để đi từ không đến hữu hình.
Nếu muốn giỏi tiếng Anh, thì cũng phải làm tương tự. Bắt đầu sớm và thường xuyên để lượng tích lũy của kiến thức trở thành sự thành thạo. Bạn có thể sẽ không trở thành một ngôi sao điện ảnh hay một MC triệu fan nào đó, nhưng sẽ khá hơn việc dậm chân tại chỗ.
Đó cũng là bí quyết lớn nhất và có thể duy nhất bạn cần hiểu. Tuy không mới nhưng cần phải lặp lại lần này đến lần khác. Tài năng không bao giờ là sự ngẫu nhiên mà là kết quả của quá trình. Hãy bắt đầu.
Nguyễn Trọng Nhân, 26.5.2022