Hồi còn ở Sài Gòn, mình có một thói quen đi chơi tối. Vào ban ngày, mình trốn trong căn phòng máy lạnh. Rồi tầm 7 giờ tối, mình và các người bạn hẹn nhau đi ăn và dạo phố. Mình cũng hay có thói quen đi mua sắm vào buổi tối.
Vài chỗ mình thường xuyên đi là khu ẩm thực Vĩnh Khánh ở Quận 4, phố đi bộ Nguyễn Huệ, và Aeon Mall. Tụi mình đi chơi đến hơn 10 giờ tối mới về. Nếu coi phim hay có nhiều chuyện để nói thì 11 giờ.
Nhưng từ khi mình đi học xa nhà, mình không còn thói quen này nữa. Không phải vì mình không muốn, mà là các cửa hàng và quán ăn ở đây đều đóng cửa sớm.
Nếu bạn ở Đức, Mỹ, Canada, hay Úc thì sẽ hiểu. Cứ tầm 6 giờ chiều là các cửa hàng đóng cửa và khu trung tâm bắt đầu vắng. Một số quán ăn Châu Á, Ấn Độ, và Trung Đông vẫn mở đến 9 giờ. Nhưng đa số cửa hàng đều đóng cửa sớm.
Điều này khiến mình tò mò, tại sao? Tại sao cửa hàng ở Tây đóng cửa sớm, còn ở Việt Nam thì mở tới tận khuya?
Sau một hồi tìm hiểu và nói chuyện, chúng mình đã tự hiểu vì sao. Đây là các lý do.
- Việt Nam là xứ nóng. Phương Tây là xứ mát.
- Việt Nam thừa lao động, nên dễ tuyển người làm. Phương Tây thiếu lao động nên khó tìm ra người.
Chủ đề này hơi nhạt, nhưng thú vị đối với mình vì ít được ai nói đến.
Việt Nam là xứ nóng, phương Tây là xứ mát
Việt Nam là một xứ nhiệt đới, với nhiệt độ trung bình là 34 độ. Ở Tây Nguyên và miền Bắc thì còn có mùa đông, còn ở trong Sài Gòn thì chỉ có một mùa.
Cộng thêm khói bụi, Sài Gòn vào ban này rất nóng. Chỉ cần bạn đi ra đường 5 phút là chảy mồ hôi. Chính vì quá nóng nên người ta hạn chế đi ra ngoài vào ban ngày, trừ khi bắt buộc.
Khi đến chiều tầm 6 giờ, mặt trời đã lặn và khí hậu bắt đầu mát mẽ. Lúc đó, bạn có thể đi ra ngoài mà không cần đội nón, các chị em không cần mặc đồ che toàn thân, và người bán hàng không cần phải tìm góc cây để đứng bán.
Đó là vì sao Sài Gòn có văn hóa sống về đêm. Cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu khi không còn mặt trời.
Còn ở các xứ mát lạnh như Úc, Âu, và Mỹ, người ta ít có văn hóa sống về đêm như Việt Nam. Vào tầm 6 giờ chiều là các cửa hàng đóng cửa. Một số siêu thị, cửa hàng, và quán ăn vẫn mở, nhưng ít.
Cuộc sống họ như có thời khóa biểu và trật tự. Sáng đi làm, chiều đi về, và tối ở nhà với gia đình. Nếu có đi ăn tối thì cũng về sớm để ngày mai đi làm tiếp.
Khí hậu tạo ra sự khác biệt về thói quen và văn hóa. Nhưng về mặt kinh tế, có một nguyên nhân ít ai nghĩ đến.
Đó là Việt Nam thừa lao động và lương thấp, nên dễ tuyển người làm. Còn Phương Tây thiếu lao động và chi phí lao động cao, nên muốn cũng không tìm ra người.
Việt Nam thừa lao động, phương Tây thì thiếu
Tuy mình không kinh doanh nhưng sau khi nói chuyện với một số bạn làm quán, mình nhận ra là Việt Nam không thiếu lao động. Thậm chí, chúng ta quá dư.
Với mức lương phục vụ bình quân là 20,000-30,000đ/giờ, chủ quán có quá nhiều lựa chọn. Bạn chỉ cần mở quán, đăng tin tuyển dụng, thì sẽ có người liên hệ.
Lần trước đi ăn ốc ở Quy Nhơn, mình bất ngờ khi thấy gần như tất cả nhân viên phục vụ đều là các bạn trẻ. Nhiều bạn nhìn chưa 18 tuổi. Họ làm từ chiều đến tối, từ khi quán mở cho đến khi đóng cửa.
Ở Sài Gòn hay Hà Nội cũng vậy. Nhiều quán có thể mở nguyên ngày, từ sáng đến tối, vì họ có thể. Với mức lương lao động thấp, đó là đòn bẩy để các quán tận dụng. Có cung thì có cầu.
Còn ở các nước phát triển, các quán sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đây là vì sao.
- Lương tối thiểu cao. Ở Úc là $23.33/giờ. Ở Canada là $17.30/giờ, và ở Châu Âu €12.41/giờ. Nếu bạn làm ca chiều đến tối, mức lương sẽ cao hơn bởi vì đó là giờ người khác đang nghỉ mệt. Vào các ngày cuối tuần hay lễ, chủ phải trả gấp rưỡi đấy gấp đôi. Vì chi phí vận hành quá cao nên đóng cửa sớm là lựa chọn tốt nhất.
- Tiêu chuẩn sống cao nên người lao động kén chọn. Nếu đi các quán ăn và quan sát, bạn sẽ thấy đa số nhân viên phục vụ là người Châu Á hoặc Ấn Độ. Khỏi cần khảo sát cũng biết phần lớn là người nhập cư và du học sinh. Bởi vì người bản xứ ít khi nào chịu làm các công việc này.
Nó dẫn đến hiện tượng không ít quán ăn phải đóng cửa vì không thể tìm đủ nhân sự. Cho dù các quán muốn mở đến khuya thì cũng không thể.
Trong thực tế, vẫn có không ít quán mở cửa. Như McDonald’s, quán phở, quán người Hoa, hay kebab. Nhưng phần lớn đều đóng cửa sớm.
Kết luận
Còn vài lý do nữa. Như con người ở các nước phát triển ưu tiên sự cân bằng cuộc sống hơn, cho nên họ không có nhu cầu làm việc nhiều. Hay quy hoạch đô thị phân chia khu dân cư riêng và khu ăn chơi riêng nên không thuận tiện như ở Việt Nam.
Nếu nhìn từ khía cạnh tiêu cực xã hội, cái gọi là nhộn nhịp ở Sài Gòn có thể được coi là thiếu trật tự. Việc các quán hoạt động liên tục cho thấy giá nhân công quá rẻ và người lao động không có thời gian để nghỉ.
Riêng mình, mình thích cuộc sống về đêm. Mình thích ăn và buổi tối, nhất là ở một thành phố sôi động như Sài Gòn. Nhưng mình cũng thích sự yên bình của đô thị ở Tây. So sánh để thấy sự khác biệt, chứ không phải để nói cái nào hơn cái nào.
Nguyễn Trọng Nhân, 24.6.2024