Đến hết tháng 7 năm 2022, Việt Nam có 6.357 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, dựa theo Trung Tâm Lưu Ký Chứng Khoán Việt Nam [hay VSD].
Nghĩa là chỉ tầm 6% trong tổng dân số 99 triệu của Việt Nam tham gia thị trường chứng khoán. Bỏ qua việc một người có thể mở nhiều tài khoản, nếu tính thực tế thì số lượng người đầu tư thực sự sẽ ít hơn nhiều.
6% là con số rất nhỏ nếu so với các nước đã phát triển khác với tỷ lệ người dân tham gia thị trường chứng khoán cao hơn. Như:
- Mỹ 58%
- Singapore 52%
- Nhật Bản 47%
- Canada 39%
- Úc 36%
- Anh 33%
- Đức 15%
Vậy lý do là gì? Điều gì khiến người dân Việt Nam ít tham gia đầu tư chứng khoán?
[1] Thị trường non trẻ và lịch sử bất ổn
Khác với các nước Mỹ Âu, vốn đã phát triển và có lịch sử thị trường chứng khoán với tuổi thọ vài trăm năm, Việt Nam đang là nước đang phát triển. Nếu sàn giao dịch Amsterdam được mở vào năm 1611 thì Việt Nam phải mất bốn trăm năm sau mới có điều tương tự.
Cộng với nền kinh tế đổi hướng từ bao cấp tập trung sang thị trường, chứng khoán vẫn còn là một thứ tương đối mới và xa lạ với đa số người dân. Sau 14 năm mở cửa, 5 năm bình thường hóa quan hệ với Mỹ, phiên giao dịch đầu tiên được thực hiện vào tháng 7 năm 2000. Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ mới 22 tuổi.
Các bạn trẻ sinh ra từ những năm 1990 trở lên, bây giờ không còn xa lạ gì với những thông tin về thị trường và những app đầu tư lô lẻ. Nhưng đối với phần lớn dân số, nhất là thế hệ cha mẹ, chứng khoán vẫn còn mơ hồ và hay bị coi như cờ bạc.
[2] Hệ thống hưu trí chưa phát triển mạnh
Hệ thống hưu trí công và tư nhân chưa phát triển mạnh để kết nối tiền nhàn rỗi với doanh nghiệp. Ở Mỹ, Úc hay Anh, khi đi làm, bạn sẽ trích một phần của lương vào quỹ hưu trí. Từ đó trở thành cổ đông gián tiếp.
Những nước phát triển có cơ chế ưu đãi về thuế cho người đầu tư dài hạn vào mục đích hưu trí. Việt Nam thì chưa phát triển chính sách này nên người dân không cảm thấy đầu tư chứng khoán là điều cần thiết.
Không những vậy, chúng ta còn có một lịch sử tài chính bất ổn từ thời hậu chiến cho đến nay. Chính vì điều đó nên người dân chọn vàng để làm kênh tích lũy chính chứ không phải chứng khoán.
[3] Hiệu suất chưa đủ hấp dẫn.
Ngoài sự non trẻ, nếu chỉ xét về hiệu suất thì chứng khoán Việt Nam khó mà thuyết phục người khác tham gia và bạn cũng không cần là chuyên gia để hiểu vì sao.
Chỉ số VNIndex trong 10 năm qua, từ 2012 đến 2022 chỉ có mức tăng trưởng 11% mỗi năm. Đó là chưa trừ đi lạm phát, nếu có thì sẽ thấp hơn nhiều.
Trong khi đó:
- Lãi suất tiết kiệm bình quân 8%.
- Lãi suất trái phiếu tầm 10%.
- Vàng mỗi năm tăng 5%.
- Còn bất động sản thì tăng ít nhất 19%.
Phần lớn con người chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Khi bất động sản còn là vua, thì chứng khoán khó mà cạnh tranh được.
[4] Vậy người Việt để tiền vào đâu?
Không cần phải hỏi thì ai cũng biết đó là bất động sản và vàng. Riêng trong năm 2021, có 282,000 giao dịch nhà đất và tổng giá trị giao dịch được ước tính ít nhất là 5 tỷ đô, thực tế thì cao hơn nhiều.
Nhưng vì sao?
Như nói trên, Việt Nam có một lịch sử tài chính bất ổn và điều này làm con người e ngại khi để tiền lâu dài vào hệ thống như ngân hàng và thị trường chứng khoán. Thay vào đó, họ tìm đến những kênh đầu tư hữu hình, những thứ họ có thể nhìn thấy và va chạm được. Đó chính là đất và vàng.
Khỏi cần làm khảo sát, bạn chỉ cần lái xe quanh phố thì sẽ thấy tiệm vàng và khu nào cũng có ít nhất một cái. Đó không chỉ là nơi để mua bán trang sức mà còn là chỗ để người dân mua vàng tích trữ. Người Việt Nam có mối quan hệ thân mật với vàng từ rất lâu vì nó có thể tồn tại xuyên năm tháng và giữ giá trị.
Thậm chí, trong những giao dịch mua bán, nhiều người còn quy ra giá vàng. Đó là vì sao bạn sẽ thường xuyên nghe những người trung niên nói “Cái này 10 chỉ, cái kia 200 chỉ.”
Chỉ riêng trong năm 2021, theo ước tính, người Việt đã tiêu thụ tầm 43 tấn vàng. Rất khó để biết được chính xác tổng số vàng trong dân là bao nhiêu, nhưng nó sẽ không dưới 500 tấn hoặc 30 tỷ đô.
Bạn sẽ tò mò và hỏi, “Vì sao lại khó đoán như vậy?” Đó là vì người Việt vẫn giữ thói quen giấu kín vì lo sợ điều gì đó, cho nên vàng trở thành vật trung gian và công cụ tích lũy ngầm.
[5] Vậy tương lai chứng khoán ở Việt Nam sẽ ra sao?
Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục phát triển và thu hút nhiều người tham gia hơn 6% hiện tại. Nhưng bao nhiêu và bao lâu thì hãy để tương lai trả lời. Hiện tại, người Việt Nam vẫn coi đất và vàng là tài sản an toàn nhất.
Bạn cũng không thể trách họ được. Khi báo chí đưa quá nhiều thông tin tiêu cực về những người như Tân Hoàng Minh, Trịnh Văn Quyết và những tai tiếng trong thị trường, thì cũng đủ làm bất cứ ai mất niềm tin. Nhưng chúng ta không cần tiêu cực đến vậy vì thế hệ trẻ không có những ký ức như cha mẹ mình nên sẽ có suy nghĩ thoáng hơn về chứng khoán.
Ngoài ra, thị trường Bảo Hiểm Nhân Thọ đang phát triển mạnh và ngày càng thu hút nhiều người tham gia. Riêng năm 2021 thì tổng doanh thu đã là 56,339 tỷ đồng.
Nó liên quan gì tới chứng khoán chứ? Nếu bạn chưa biết, tiền của bạn đóng bảo hiểm mỗi tháng sẽ được dùng để mua trái phiếu và cổ phiếu. Nghĩa là bạn cũng đang tham gia gián tiếp vào thị trường.
Nếu không đủ tiền tỷ để mua nhà đất, chục đến trăm triệu để mua vàng, thì chứng khoán là kênh hợp lý nhất vì bất cứ ai cũng có thể tham gia. Với những Infina, Finhay hay Anfin, bạn có thể mua cổ phiếu với 10,000 đồng, giá tương đương với ly cà phê vỉa hè. Đó là điều không thể với đất hay vàng.
Nếu chưa, thì hãy bắt đầu hành trình xây dựng tài chính cá nhân cho riêng bạn dù là với chứng khoán hay vàng đi nữa. Chỉ bạn mới biết điều tốt nhất cho mình.
Nguyễn Trọng Nhân, 27.8.2022