Chỉ 2.33% người thất nghiệp ở Việt Nam, thống kê có nói dối?

Sau đây là vài tiêu đề báo chí:

  • 97.8% sinh viên trường Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng có việc làm [Báo Công An Đà Nẵng]
  • 80% số sinh viên có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp [Báo Hà Nội Mới]
  • Gần 70% sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp [Báo Tiền Phong]

Con số chính xác nhưng dễ gây hiểu lầm nếu không phân tích ý nghĩa.

Tiêu chuẩn của “Đã có việc làm sau khi tốt nghiệp” là gì?

Đó là một sinh viên sau khi ra trường và làm bất cứ việc gì miễn sao nó mang lại thu nhập. Nó gom tất cả chung vào con số. Nó không phân biệt liệu công việc đó có liên quan đến chuyên ngành không và giá trị là bao nhiêu.

Vậy vấn đề với các thống kê mà báo chí hay giật tít đầy tự hào là gì?

Một tân cử nhân chạy Grab, giao hàng, làm phục vụ, hoặc đang xuất khẩu lao động, cũng được coi là có việc làm. Cho dù công việc nó không liên quan gì tới chuyên môn đã học và bằng cấp họ sở hữu.

Ở một góc nhìn khác:

  • “60% sinh viên làm trái ngành sau khi ra trường.” Theo thống kê của Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã hội.
  • “Doanh nghiệp trả bình quân 6-7 triệu cho sinh viên mới ra trường.” Theo Zing.
  • “Lương bình quân cho người có bằng đại học gần 10 triệu.” Theo VTV

Số liệu tuy không biết nói dối nhưng cách nhìn nhận thì có thể. Vì nếu mãi tự hào về tiêu đề “98% sinh viên có việc làm” thì sẽ không nhìn ra. Chúng ta có nên tự hào về nạn lương thấp và hơn phân nửa cử nhân không áp dụng kiến thức? Sẽ là hơi ảo.

Cũng giống như tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam theo Tổng Cục Thống Kê cho năm 2022 chỉ là 2.32%.

Hãy so sánh tỷ lệ thất nghiệp ở các nước khác:

  • Nhật 2.4%
  • Úc 3.5%
  • Mỹ 3.6%
  • Anh 3.7%
  • Malaysia 4.61%

Tại sao con số đó ở Việt Nam lại thấp đến vậy, thấp hơn Mỹ và Anh?

Vì trong mắt thống kê, bất cứ công việc gì mang lại thu nhập đều không được tính là thất nghiệp. Dù người đó bán vé số, nhân viên tạm thời, hay đơn thuần là bán hàng rong. Khỏi cần làm thống kê, bạn chỉ cần ra đường là thấy đầu người như vậy. Họ chỉ tạm sống qua ngày. Nhưng trong mắt thống kê, họ không hề thất nghiệp.

Nhưng để đo hiệu suất của nền kinh tế mà lấy tỷ lệ thất nghiệp thì chưa toàn diện. Bắc Hàn là nước có chính sách toàn dân lao động và ai cũng có công việc được phân bổ bởi hệ thống kinh tế tập trung, nhưng không ai lấy nước đó để làm gương.

Nhà kinh tế học Milton Friedman có cách giải thích thú vị hơn.

Ông ta đến Trung Quốc sau lời mời của chính quyền Bắc Kinh. Khi thấy cảnh hàng trăm người dùng xẻng để đào đất, ông ta hỏi:

  • “Sao các ông lại cho công nhân đào đất bằng xẻng mà không dùng cái máy?’

Một cán bộ trả lời:

  • “Vì chúng tôi muốn tạo công ăn việc làm cho nhiều người.”

Milton Friedman suy ngẫm rồi đáp:

  • “Tôi tưởng các công muốn xây dựng công trình cho nhanh. Còn nếu muốn tạo công ăn việc làm thì sao không bắt các công nhân đào đất bằng cái muỗng?”

Câu chuyện có phần hư cấu. Dùng muỗng đào đất thì sẽ tạo ra hàng triệu việc làm, nhưng là việc làm giá trị thấp và vô nghĩa. Nền kinh tế hoạt động theo nguyên lý tương tự.

Mục đích của công việc là tạo ra giá trị và tăng năng suất. Một kỹ sư có thể tạo ra giá trị kinh tế hơn 1,000 nhân viên giữ xe nhưng lại làm ít hơn. Nếu làm nhiều là giỏi và nhiều người làm là lý tưởng, thì có lẽ chúng ta không cần đến chất xám.

Để hình dung, bạn có thể dùng GDP đầu người hoặc thu nhập bình quân:

  • Việt Nam $3,600
  • Nhật $33,000
  • Úc $60,000
  • Mỹ $65,000
  • Anh $51,000
  • Malaysia $12,000

Tuy Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, nhưng lại có thu nhập thấp nhất. Thất nghiệp hay tìm việc là điều cần có trong bất cứ quốc gia nào, nhất là các nền kinh tế tri thức và có hệ thống an sinh xã hội đủ tốt. Người ta sẵn sàng bỏ thêm thời gian để tìm công việc phù hợp.

Bán vé số không là thất nghiệp, nhân viên hành chính ngồi không đang làm việc, hay chạy cuốc giao hàng cũng tạo ra giá trị, nhưng quan trọng là bao nhiêu? Không cần là chuyên gia cũng biết là thấp.

Các con số chỉ phản ánh những gì bạn muốn. Còn giá trị thật là thứ tàng hình không được trông thấy mà cần suy ngẫm để giải nghĩa. Khi tin tưởng tuyệt đối, đó là hành vi tự đánh lừa bản thân.

Thống kê không biết nói dối, nhưng người sử dụng và trình bày thì chưa chắc trung thực.

Bóc Phốt Tài Chính, 21.3.2023