Mỗi lần đọc tin tức, theo dõi những sự kiện của các công ty công nghệ như Apple hay Microsoft, bạn sẽ ít nhiều muốn chính mình sở hữu một phần của những doanh nghiệp đó. Cách hiệu quả nhất là trở thành cổ đông bằng cách mua cổ phiếu của họ.
Nếu đang ở Việt Nam thì bạn sẽ càng muốn làm điều đó để đa dạng hóa tài sản và tham gia thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, với sự phát triển bừa bãi của hàng loạt nội dung tài chính tự phát, điều này đã khiến thông tin trở nên lẫn lộn.
Bài viết sau đây được thực hiện để giải ảo và giải thích vấn đề trên để nhà đầu tư có thể tự bảo vệ bản thân.
Tại sao nên mua cổ phiếu nước ngoài
Có rất nhiều lý do để người Việt Nam nên mua cổ phiếu nước ngoài, đứng đầu là cổ phiếu Mỹ. Nếu đọc tin tức thì khó lòng thoát khỏi những sản phẩm của Facebook, Google và Microsoft. Mặc dù sử dụng nó hằng ngày nhưng đa số bạn chỉ có thể nhìn chứ không nắm được cổ phần.
Đầu tư quốc tế là một điều hết sức bình thường trong thời đại toàn cầu hóa khi biên giới không còn là rào cản nữa. Mua cổ phiếu Mỹ sẽ cho phép bạn đa dạng danh mục, sở hữu một phần của những tổ chức đang thay đổi thế giới từng ngày và mang lại lợi nhuận cao. Nếu bây giờ công nghệ là vua thì việc đứng ngoài sẽ khiến bạn thiệt thòi về tài chính.
Đầu tư cổ phiếu quốc tế cho bạn tự do, phòng hờ rủi ro và hạn chế khủng hoảng vì không phải tự khóa vốn mình ở một quốc gia nữa.
Vấn đề với cổ phiếu Việt Nam
Cổ phiếu Việt Nam không có vấn đề gì. Nhưng quy mô và tác động quá nhỏ. Với tổng vốn hóa thị trường tầm $200-300 tỷ thì chỉ bằng giá trị của một công ty công nghệ ở Mỹ.
Điều đó không có gì sai nhưng nếu bạn coi mình là một công dân toàn cầu thì đây là một thiệt thòi. Trong đầu tư chứng khoán thì có câu, “Đừng để hết trứng vào một rổ.” Nhà đầu tư ngoại cũng bỏ vốn vào thị trường Việt Nam thì người Việt Nam cũng nên để một chút tiền của mình vào thị trường ngoài nước, đây là điều hết sức bình thường.
Tuy nhiên, muốn đôi lúc không đi đôi với có thể.
Ở Việt Nam có thể mua cổ phiếu nước ngoài không?
Thẳng thắn là không. Ở Việt Nam thì bạn không thể nào mua cổ phiếu nước ngoài, dù là cổ phiếu Châu Âu hay Mỹ đi nữa.
Giới hạn pháp lý về việc mua cổ phiếu nước ngoài
Để hiểu nguyên nhân vì sao không thể mua cổ phiếu nước ngoài ở Việt Nam thì bạn phải biết những điều sau.
Chính phủ Việt Nam quản lý giao dịch ngoại hối
Nếu chưa biết thì thị trường ngoại hối của Việt Nam được nhà nước quản lý rất chặt. Bạn có thể gửi tiền ngoại, đi đầu là USD hoặc Dollar, về nước. Nhưng để mua ngoại tệ ở trong nước thì vô cùng khó khăn.
Trừ những kênh phạm pháp như mua ở chợ đen, tiệm vàng hay tiền mặt thì tất cả giao dịch đều phải thực hiện ở ngân hàng. Bạn phải có lý do chính đáng như đi du học, định cư, du lịch hoặc chữa bệnh.
Vì không thể tự túc đổi tiền và chuyển ra nước ngoài nên bạn không thể mua cổ phiếu ngoại từ Việt Nam được.
Không có công ty chứng khoán quốc tế nào hoạt động ở Việt Nam hợp pháp
Cho đến thời điểm hiện nay, nhà nước vẫn chưa cấp phép cho bất cứ công ty chứng khoán quốc tế nào hoạt động ở Việt Nam.
Nhắc lại. Không có bất cứ công ty chứng khoán nước ngoài nào được cấp phép hoạt động ở Việt Nam. Nếu có thì họ chỉ được mua bán cổ phiếu Việt Nam chứ không phải là quốc tế.
Vậy tại sao vẫn có quảng cáo mua cổ phiếu Mỹ ở Việt Nam
Gần như tất cả những dịch vụ mua cổ phiếu Mỹ ở Việt Nam đều bất hợp pháp. Nó thực chất không phải là cổ phiếu mà chỉ là hình thức phái sinh, CFD [Contract for difference], forex [Giao dịch ngoại hối] hoặc Binary Options [Quyền chọn nhị phân].
Những cái đó chỉ là hợp đồng đánh cược giữa bạn với nhà cung cấp chứ không cho bạn sở hữu cổ phiếu gì. Đây là một hình thức đánh bạc trá hình chứ không liên quan gì tới đầu tư.
Không có công ty nào có giấy pháp hoạt động ở Việt Nam và chỉ chạy quảng cáo trá hình. Cho nên nếu thấy bất cứ quảng cáo nào nói “Đầu tư cổ phiếu Mỹ ở Việt Nam” thì xác định họ đang lừa dối bạn.
Vậy mua cổ phiếu nước ngoài ở Việt Nam thế nào?
Bởi vì ở Việt Nam không mua cổ phiếu ngoại được nên bạn chỉ có thể làm những cách sau. Tất cả đều hợp pháp.
Đi du học rồi mở tài khoản
Hầu hết các nước đều cho du học sinh mở tài khoản chứng khoán. Trừ Mỹ, vì họ yêu cầu phải có số SSN [Social Security Number]. Vì bạn không được đi làm hợp pháp trong khi du học nên không thể.
Còn những nước như Nhật, Singapore, Anh, Úc, Canada hay Pháp thì đều cho phép bạn mở tài khoản. Miễn sao là có địa chỉ để họ xác nhận.
Vì đi du học nên bạn có thể chuyển tiền ra nước ngoài hợp pháp để không bị để ý là rửa tiền. Sau đó chỉ cần mở tài khoản rồi mua thôi.
Định cư nước ngoài rồi mở tài khoản
Cái này thì càng dễ. Nếu bạn có thẻ xanh, là thường trú nhân hay có người thân thì việc mở tài khoản là điều bình thường như bao người khác. Gần như không có rào cản gì.
Mở tài khoản chứng khoán quốc tế hợp pháp ở Việt Nam
Nếu không đi du học hay định cư thì bạn vẫn có thể tự mở tài khoản chứng khoán quốc tế. Nhưng rất rườm rà và mệt mỏi.
Số lượng lãnh thổ chấp nhận hộ chiếu ngoại để mở tài khoản không nhiều, vì đa số đều yêu cầu bạn phải là công dân hoặc có địa chỉ tạm trú.
Tuy nhiên, vẫn có một số nơi không phân biệt hộ chiếu. Nhưng phải nhấn mạnh là có thể không đồng nghĩa với việc sẽ được. Vẫn có rào cản chứ không đơn giản là làm online là xong.
Mở tài khoản bên Singapore
Singapore là một trong những lãnh thổ hiếm hoi không yêu cầu bạn phải là công dân để mở tài khoản chứng khoán quốc tế. Vì là một trung tâm tài chính của khu vực nên họ mở rộng. Hiện nay, bạn có thể tự mở tài khoản với công ty chứng khoán bên Singapore với hộ chiếu Việt Nam của mình.
Thủ tục sẽ rất rườm rà nhưng đương đối đơn giản. Một trong những công ty hay được dùng là Saxo Markets. Vì bài viết này không phải để PR nên không chèn link, bạn nên tự tìm hiểu.
Họ chỉ yêu cầu bạn gửi hộ chiếu, điền thông tin, cung cấp nguồn gốc tài sản và cách để liên hệ. Nếu tất cả hợp pháp thì bạn có thể bắt đầu chuyển tiền bằng thẻ Visa hay Mastercard, gửi tiền qua ngân hàng hoặc chuyển tiền trực tiếp vào.
Nên nhớ là ở Việt Nam vẫn kiểm soát ngoại hối nhé, nên bạn muốn chuyển phải có lý do chính đáng và hợp lý. Nếu không thì có rủi ro tiền sẽ bị khóa lại vì họ sợ rửa tiền.
Phải hết sức cẩn thận và đừng nhầm lẫn cổ phiếu với CFD, hai cái này hoàn toàn khác nhau.
Kết luận về việc mua cổ phiếu nước ngoài ở Việt Nam
Bây giờ tiền có thể đi xuyên biên giới trong nháy mắt nên việc đầu tư quốc tế không còn là vấn đề nữa. Nhưng phải nói rõ là luật pháp Việt Nam hiện tại chưa cho phép bạn làm điều đó ở Việt Nam.
Những cách trên chỉ là giải pháp tạm thời. Tiền của bạn xứng đáng được đi đến nơi mình cảm thấy phù hợp nhất chứ không thể để ở một chỗ được.
Nguyễn Trọng Nhân, viết cho Bóc Phốt Tài Chính, 18/11/2021