Bóc phốt Tài Sản Ròng của Việt Nam

Có một khái niệm mà báo chí Việt Nam thường xuyên dùng để đánh đồng với sự thịnh vượng. Đó là Tài Sản Ròng. Chúng ta hãy cùng phân tích nhé.

[1] Tài sản ròng là gì?

Nó là tổng giá trị của tài sản sau khi trừ nợ. Tiếng Anh là “Net Worth.” Nếu bạn có căn nhà 10 tỷ, nợ 2 tỷ, thì tài sản ròng là 8 tỷ.

[2] Tài sản ròng của Việt Nam là bao nhiêu?

Ước tính vào năm 2022 là 1,218 tỷ USD, đứng hạng 26 trên thế giới. Còn nếu chia đều cho 99 triệu dân, mỗi người sẽ có $12,000. Nghĩa là trên giấy, Việt Nam là một cường quốc hay ít ra là một người trung bình khá.

[3] Vấn đề với tài sản ròng là gì?

Có rất nhiều, nhưng phần chính là:

  • Vấn đề thanh khoản: Ví dụ một thị trấn kia 1000 căn nhà, mỗi căn 1 tỷ đồng, tổng giá trị trên giấy là 1000 tỷ. Nhưng nếu bán hết cùng một lúc thì giá sẽ sụp đổ ngay vì không có người mua. Không chỉ nhà đất mà tiền ảo, chứng khoán hay hàng hóa đều theo nguyên lý này.
  • Vấn đề bơm thổi: Giá trị được quyết định bởi yếu tố gì? Tại sao một căn nhà ở Việt Nam lại có giá 10 tỷ, gấp trăm lần thu nhập. Vì tài sản không tập trung nên khó mà kiểm chứng được. Bất cứ ai cũng có thể phịa.
  • Vấn đề khoảng cách giàu nghèo: Một đại gia sở hữu căn nhà 100 tỷ, còn 99 người dân lao động thì đang ở thuê. Nhưng trên giấy, tổng tài sản ròng lại là 100 tỷ và mức bình quân là 1 tỷ mỗi người. Nó không nói lên điều gì về ổn định xã hội.
  • Vấn đề phản ánh thu nhập: Trong một nền kinh tế nặng đầu cơ thì giá cả không đại diện cho giá trị thật. Một chung cư tầm trung ở Sài Gòn bây giờ là $150,000, giá gấp 40 lần lương bình quân. Nghĩa là một người bình thường phải đi làm 40 năm mới đủ tiền mua.
  • Vấn đề tỷ trọng: Tài sản bao gồm những gì? Ở Việt Nam thì phần lớn tài sản nằm trong nhà đất và giá cả bị bơm thổi. Nếu giá đất giảm hay có thiên tai thì những thứ đó liệu có còn không.
  • Vấn đề tính toán: Các thống kê về tài sản ròng quốc gia chỉ là ước tính của tổ chức tài chính độc lập như HSBC để tham khảo. Họ cũng không bao giờ nói chính xác được vì giá cả biến động liên tục. Ở những nước không minh bạch thì ước tính tài sản càng phi lý.

[4] Vậy giờ lấy gì để đo mức độ thịnh vượng?

Thu nhập và sức mua luôn cho thấy rõ sự giàu có của một đất nước. Vì nếu tài sản bị mất hết thì người dân vẫn có thể làm lại từ đầu. Đây là ví dụ cơ bản.

  • Người Mỹ lương $60,000. Làm 16 năm sẽ được $1 triệu.
  • Người Thái lương $8,000. Làm 125 năm sẽ được $1 triệu.
  • Người Việt Nam lương $4,000. Làm 250 năm sẽ được $1 triệu.

Dù trên giấy, tổng tài sản ròng của Việt Nam cao hơn Thái, nhưng thu nhập của chúng ta còn thua họ rất nhiều. Đó là chưa nói về sức mua theo giờ, môi trường sống và cơ hội.

[5] Nếu tài sản ròng có vấn đề thì sao báo chí lại hay dùng, nhất là Việt Nam?

Họ dịch từ các báo nước ngoài như Bloomberg. Nhiều trang cũng đăng lại để tô vẽ. Nhưng chỉ cần suy ngẫm một chút là thấy có vấn đề.

[6] Riêng ở Việt Nam thì tài sản ròng có vấn đề gì?

Giá nhà đất ở Việt Nam bị thổi nên rất ảo. Một căn chung cư bây giờ gấp 50-100 lần thu nhập.

Còn muốn ví dụ cụ thể thì lấy thành phố Nha Trang.

Đường Trần Phú ở Nha Trang có giá trị đất tầm 200 triệu/m2. Nghĩa là trên giấy, Nha Trang là một thành phố trị giá tỷ đô và người dân nơi đây là đại gia.

Nhưng nhìn là một chuyện, sinh sống là một chuyện khác.

  • Thu nhập bình quân ở Nha Trang chỉ 6 triệu/tháng. Những việc làm phục vụ trong các quán ăn chỉ trả 15,000-20,000 đồng một giờ.
  • Dù sống trên những lô đất triệu đô, nhưng chỉ phần nhỏ làm chủ. Các tòa nhà, khách sạn, hay xe sang đâu có thuộc về phần lớn người dân mà là phần nhỏ lợi ích nhóm.
  • Người dân Nha Trang tuy mỗi ngày chạy ngang những tòa nhà trăm triệu đô, nhưng lương tháng của họ chỉ đủ để ở trong đó vài ngày.

Nếu không phải là Nha Trang thì sẽ là thành phố khác. Đó là hiện tượng chung ở Việt Nam. Tài sản hiện có là nhà đất chứ không phải từ lao động, tri thức hay sáng tạo.

Kết luận

Nếu Việt Nam thực sự đứng hạng 26 về tài sản ròng thì thu nhập cũng sẽ phản ánh điều đó. Còn bây giờ, Việt Nam đứng hạng 45 về tổng GDP và 126 về GDP đầu người. Cho nên dựa vào đó mà nói Việt Nam giàu là quá ảo tưởng. Đó là vấn đề với tài sản ròng.

Bóc Phốt Tài Chính, 01.12.2022