Tôi cá là bạn đã nghe câu này nhiều lần. Nếu lướt mạng xã hội thì thế nào cũng thấy.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng. Gian khổ sẽ dành phần ai.”
Nghe thì rất lý tưởng, nó mang hàm ý rằng nếu tất cả chọn công việc ngồi trong máy lạnh thì ai sẽ làm công việc ngoài trời. Nếu tất cả chúng ta chọn việc trí óc thì việc lao động sẽ do ai gánh?
Câu nói như muốn nâng cao những con người sử dụng tay chân vì họ đang như hy sinh bản thân vì xã hội.
Nhưng trong nền kinh tế tri thức thì khái niệm này có lẽ là một sai lầm. Việc nhiều người chọn việc nhẹ nhàng thì sẽ càng có lợi cho việc tay chân.
Lấy Canada làm ví dụ. Mới đây, một nhà hàng tuyển nhân viên rửa chén lương $25 mỗi tiếng hoặc $52,000 mỗi năm kèm với phúc lợi như vài tuần nghỉ phép và hưu trí. Nó chỉ đòi hỏi một người lao động dùng bàn tay và đứng xếp chén dĩa vào máy 8 tiếng mỗi ngày rồi ra về.
Còn ở Úc, những công việc như đào mỏ, hốt rác và xây dựng luôn có lương không dưới $100,000. Hơn mức trung bình của người làm văn phòng vì bản chất rất cực và sức khỏe có tuổi thọ. Vậy mà họ tuyển hoài vẫn không đủ người.
Điều gì khiến lương người lao động cao đến vậy, tuy chưa phải là mức cao nhất.
Đó là vì những nơi như Canada và Úc, con người đã chuyển mình từ công việc tay chân sang sử dụng trí tuệ. Thay vì đứng rửa chén, người ta dùng máy. Thay vì dùng trâu bò, người ta dùng máy bay. Thay vì dùng xe đạp, người ta dùng xe hơi.
Vì quá người làm dịch vụ cho nên những công việc lao động khó tuyển được người. Để giải quyết vấn đề đó thì buộc lòng phải tăng lương. Từ đó, một người lao động bình thường lại được hưởng lương tương đương với trí thức vì sự khan hiếm.
Hãy nhìn xung quanh, bạn sẽ thấy vô số ví dụ khác về cách trí óc đang nâng đỡ người lao động thế nào.
Khi có Uber thì những tài xế kia không cần phải đi tìm khách mà cái app sẽ tự kết nối họ đến với nhau. Quán ăn kia thay vì phải tuyển nhân viên giao hàng chỉ để sử dụng nửa ngày thì có thể liên kết với Uber Eats để bán online, app sẽ tự kêu tài xế đến lấy đồ ăn rồi giao cho khách. Thu nhập không tồi, $20-25 là chuyện thường, rất phù hợp cho ai thích làm tự do hay muốn kiếm thêm thu nhập.
Khi có Facebook thì những người muốn bán hàng nhưng có vốn ít có thể tự tạo thương hiệu và mở cửa hàng nhỏ lẻ rồi từ từ phát triển. Ông nông dân ở Daklak có thể bán trái cây trực tiếp cho một bạn trẻ ở Sài Gòn. Một bà mẹ làm nội trợ giỏi nấu ăn có thể bán thời gian của mình và tiết kiệm công sức cho người khác bằng cách mở dịch vụ ẩm thực.
Ví điện tử đang giúp nhân viên thu ngân bớt mệt mỏi khi phải đếm tiền mặt. Máy tính tiền tự động đang thu gọn công việc của nhân viên siêu thị. Những nhà tạo nội dung đang cung cấp kiến thức cho những ai cần. Cô người mẫu đang giúp thợ may có thêm đơn hàng. Anh chàng si tình mời cô gái đi uống cà phê đang tạo việc cho nhân viên pha chế.
Nếu không có người chọn việc nhẹ nhàng đó thì người gian khổ kia liệu có cơ hội để vươn lên không?
Đừng nghĩ rằng việc các bạn trẻ theo đuổi học vấn, thích làm văn phòng hay đề cao công việc dịch vụ là khinh thường người lao động. Họ thực sự đang giúp ích. Vì càng nhiều tính sáng tạo và trí óc thì càng ít lãng phí tài nguyên lao động, một thứ gần như cố định về giá trị.
Nhờ những người làm văn phòng có lương cao nên họ mới tạo việc làm cho cô bán cơm, chú chạy taxi hoặc anh giao Grab Foods. Sức mua của họ đẩy giá sản phẩm và thu nhập của người lao động lên.
Nếu tất cả đều làm việc tay chân thì có lẽ kinh tế sẽ chết hoặc dậm chân tại chỗ.
Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng. Gian khổ biết dành phần ai?
Gian khổ không dành phần ai hết, nó chỉ được giảm thiểu. Một nơi có quá nhiều việc cực nhọc lương thấp không có nghĩa là nơi đó lý tưởng hay người làm nó cao cả. Nó cho thấy nền kinh tế chỉ đang trong giai đoạn sơ khai và cần áp dụng nhiều máy móc hơn nữa để tiết kiệm thời gian lẫn công sức.
Không có chuyện tất cả sẽ làm một thứ được vì luôn có cung và cầu. Nhưng nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ sẽ được thay thế bằng máy móc và những người trước đây chịu cực sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cho nên bạn hãy tự hào và tiếp tục theo đuổi việc nhẹ nhàng vì bạn sẽ làm cho cuộc sống của người lao động bớt gian khổ hơn. Như bàn tay cần trí óc và ngược lại.
Nguyễn Trọng Nhân | 03.11.2021