Bài học năm Munich 1938, tại sao Châu Âu bảo vệ Ukraine

Nếu có một bài học lịch sử chúng ta cần nhớ đến, để giải thích tư duy của người dân và chính quyền Châu Âu hiện nay, thì nên là bài học của năm 1938. Sự kiện được gọi là “Hiệp ước Munich.”

Đó là khi thủ tướng Anh Quốc, ngài Neville Chamberlain đã bắt tay với Adolf Hitler. Tin rằng lãnh tụ của phát xít Đức muốn hòa bình, rằng ông ấy muốn dừng lại, và không muốn chiến tranh một lần nào nữa.

Thành tựu tạm thời này được gọi là Peace In Our Time, theo lời của Chamberlain. Còn nếu phải dịch sang tiếng Việt, thì có thể gọi là “Hòa bình trong thời đại của chúng ta.” Khi đó, ông ấy cho rằng đó là hoà bình thực sự. Nhưng khi nhìn lại, nó bị gọi là “Hòa bình giả cầy.”

Giả cầy là vì nó không hề đạt được hòa bình, mà là hành động bán đứng Czechslovakia [hay Tiệp Khắc] cho phát xít Đức. Để rồi một năm sau, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ khi phát xít Đức đưa quân xâm chiếm Ba Lan.

Khi quân Đồng Minh đánh bại phát xít vào năm 1945, họ cam kết rằng sẽ không bao giờ để một Hiệp Ước Munich xảy ra một lần nào nữa. Khi bạn để cho phe ác xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia khác, sự thỏa thuận chỉ mang lại hòa bình tạm thời, nhưng rồi sẽ phải trả giá bằng máu về sau.

Đây là câu chuyện dẫn đến bài học năm 1938 mà tất cả con người ở Mỹ và Châu Âu đều thuộc lòng.

Sau khi Thế Chiến Thứ Nhất chấm dứt, Đức là bên thua cuộc. Vì quá tức giận trước sự mất mát, phe Đồng Minh đã dùng Hòa Ước Versailles để đổ tất cả lỗi lầm của cuộc chiến lên Đức và ép họ phải đền bù thiệt hại. Khi nhìn lại, tất cả sử gia đều nhất quán rằng đây là một sai lầm, và là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự nổi dậy của phát xít.

Nền cộng hòa Weimar của Đức đi từ thất bại này đến thảm họa khác. Mất lãnh thổ, siêu lạm phát, và xã hội bất ổn. Đỉnh điểm là sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán ở Phố Wall năm 1929, đã đưa Mỹ Âu vào cơn đại suy thoái, trong đó có Đức. Từ một cường quốc, Đức trở nên suy sụp, và người dân cảm thấy nhục nhã.

Trong sự hỗn loạn đó, có một người đàn ông gốc Áo nổi dậy như một hiện tượng chính trị.

“Nước Đức của chúng ta không hề thua ở thế chiến, chúng ta chỉ bị đâm sau lưng. Bọn Do Thái đã thao túng nền kinh tế. Tôi sẽ mang lại vinh quang cho tổ quốc của chúng ta.”

Với những lời lẽ mị dân mà khi nhìn lại, người dân Đức cũng không hiểu vì sao họ lại tin vào nó. Nhưng trong khủng hoảng kinh tế và niềm tin, người dân Đức đã trao quyền cho một tổ chức côn đồ núp sau danh nghĩa lòng yêu nước. Họ đã cho phép ông lấy lá phiếu của mình để đảng Quốc Xã lên cầm quyền. Năm 1933, Hitler trở thành thủ tướng Đức.

Ông ấy ngay lập tức bắt đầu thiết lập những chính sách để loại bỏ đối thủ. Từ một cựu quân nhân gốc Áo thất nghiệp, Hitler trở thành Fuhrer hay Quốc Trưởng. Từng bước một, ông ấy xây dựng nền công an trị và biến Đức thành cỗ máy chiến tranh.

Vào tháng 3 năm 1936, Hitler đưa quân để tái cai quản Rhineland, đây được coi là vùng đệm phi quân sự sau Hòa Ước Versailles. Pháp và Anh làm lơ, nghĩ rằng đây là chuyện nhỏ.

Vào tháng 8 năm 1936, phát xít Đức tổ chức Thế Vận Hội Olympics. Các nước Mỹ và Châu Âu mặc kệ những chính sách kỳ thị người Do Thái và độc tài, để Hitler tuyên tuyền thông qua thể thao. Họ tiếp tục im lặng, cho rằng ông ấy chỉ muốn hòa bình.

Vào tháng 3 năm 1938, khi thăm dò và thấy được sự ủng hộ của không ít người dân Áo, vốn cũng nói tiếng Đức, Hitler đưa quân để thâu tóm Áo mà không tốn một viên đạn. Sự kiện được gọi là Anschluss. Anh, Pháp, và Mỹ vẫn làm lơ. Họ vẫn nghĩ rằng ông ấy sẽ ngừng lại vì ông ấy yêu hòa bình, rằng ông ấy chỉ muốn khôi phục lại vinh quang cho dân tộc Đức. Nhưng, họ đã sai. Lòng tham thì không có giới hạn.

Sau đó vài tháng, cũng vào năm 1938, Hitler công bố muốn thâu tóm Sudetenland của Tiệp Khắc. Đây là vùng đất có nhiều người gốc Đức sinh sống. Theo suy nghĩ của Hitler, “Tất cả người Đức phải về lại tổ quốc, hay das Vaterland.” Còn biên giới hay chủ quyền chỉ là khái niệm nhân tạo.

Một lần nữa, Anh và Pháp nhượng bộ. Sau khi trải qua Thế Chiến Thứ Nhất, họ không muốn chiến tranh lần nào nữa. Vào ngày 30 tháng 9 năm 1938, Hiệp Ước Munich được ký giữa Anh, Pháp, Đức, và Ý. Họ đồng ý để Đức thâu tóm vùng Sudetenland và Tiệp Khắc không có tiếng nói. Thậm chí, lãnh đạo Tiệp Khắc không được mời, và chỉ biết thông tin sau khi mọi thứ đã kết thúc.

Thủ tướng Anh lúc đó, ngài Neville Chamerlain, bay trở về quê nhà sau sự kiện đó. Khi đáp xuống sân bay, ông ấy cầm tờ giấy có chữ ký với Hitler, và tuyên bố:

“Sáng nay tôi đã có cuộc nói chuyện với thủ tướng Đức, Herr Hitler, và đây là văn bản có chữ ký của ông ấy và tôi. Tôi tin rằng đây là hòa bình trong thời đại của chúng ta.”

Vào tháng 3 năm 1939, Hitler đưa quân vào xâm chiếm tất cả lãnh thổ Tiệp Khắc, chứ không chỉ vùng Sudetenland như cam kết. Nghĩa là Hiệp Ước Munich đã bán đứng chủ quyền một quốc gia.

Vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, Hitler đưa quân xâm chiếm Ba Lan. Khi nhận ra sai lầm và không còn đường lùi, Anh và Pháp tuyên chiến. Đó là sự bắt đầu của Thế Chiến Thứ Hai. Nắm bắt lợi thế, Hitler từng bước một xâm chiếm rồi thâu tóm Châu Âu. Ba Lan, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Pháp, Hy Lạp, Bắc Phi, rồi Đông Âu.

Câu nói “Peace in our time” đó sẽ gây ám ảnh Chamberlain và trở thành di sản của ông. Mặc dù ông ấy có nhiều thành tựu khác, nhưng người ta chỉ nhớ đến lời thỏa thuận châm ngòi cho thế chiến.

Vào thời điểm này, phần lớn công chúng Mỹ còn nghĩ rằng cuộc chiến ở Châu Âu là chuyện của Châu Âu, chứ không liên quan gì đến Mỹ. Nhưng vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, khi quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng ở Hawaii, người Mỹ cũng đã thức tỉnh.

Phải đến tận năm 1945, quân Đồng Minh mới đánh bại phát xít Đức và Nhật, rồi thiết lập hòa bình trở lại. Nhưng cái giá phải trả là 50 triệu người chết, trong đó có 6 triệu người Do Thái trong cái gọi là Holocaust hay nạn Diệt Chủng. Mỹ cũng đã mất hơn 400,000 người trong nỗ lực này.

Kể từ đó, Mỹ và Châu Âu cam kết rằng sẽ không bao giờ để sự kiện này xảy ra, như Hiệp Ước Munich 1938. Khi các sử gia và các nhà phân tích nhìn lại, tất cả đều khó hiểu rằng “Tại sao chúng ta lại ngây thơ tới độ tin một kẻ khùng.” Đáng lẽ ra chúng ta phải ngăn chặn ông ấy từ đầu, khi Đức chưa đủ mạnh. Chúng ta đã quá ngây thơ.

Sau Thế Chiến Thứ Hai, Mỹ thay thế Anh Quốc để làm cảnh sát thế giới.

Vào năm 1950, khi Triều Tiên đưa quân vượt vĩ tuyến 38 để xâm chiếm Hàn Quốc, Mỹ và Đồng Minh đã đưa quân đến giải cứu. Nước Hàn Quốc tự do và thịnh vượng của ngày nay là di sản của quyết định đó.

Khi chứng kiến Tây Berlin bị bao vây vào năm 1963, tổng thống John F. Kennedy đã đứng trước bức tưởng Berlin và trấn an Tây Âu. “Tất cả con người tự do, dù ở đâu đi nữa, đều là công dân Berlin. Là một người tự do, tôi tự hào khi nói Ich bin ein Berliner. Hay ‘Tôi cũng là công dân Berlin.’”

Vào năm 1987, tổng thống Ronald Reagan, cũng đứng ở vị trí tương tự và nói: “Tổng bí thư Gorbachev, hãy giật sập bức tường này.”

Khi Iraq xâm chiếm Kuwait vào năm 1990, tổng thống George HW Bush không ngần ngại đưa quân để ngăn chặn. Hay khi vùng Nam Tư có xung đột vào năm 1999, tổng thổng Bill Clinton không chần trừ hỗ trợ NATO thiết lập hòa bình. Rồi khi Mỹ bị tấn công vào tháng 9 năm 2001, cả khối NATO đều chung tay diệt khủng bố.

Hiệp Ước Munich tuy đã xảy ra cách đây hơn tám thập niên, nhưng vẫn được nhớ lại. Tất cả tổng thống hay thủ tướng, dù thuộc phe phái nào, hay có lập trường gì, đều nhất quan chung về ranh giới chủ quyền. Bởi vì, khi bạn để phe ác bành trướng, khi bạn để một nước khác chiếm một nước khác, đâu sẽ là điểm dừng? Đó là bài học năm 1938.

Mong là chúng ta sẽ không bao giờ quên bài học này. Nếu không, cái giá phải trả sẽ quá đắt.

Nguyễn Trọng Nhân, 05.3.2025