Tuần rồi, mình đến Măng Đen trong chuyến đi Tây Nguyên. Khi đi chợ cùng cô bạn, mình bất ngờ khi thấy cô ta để xe bên ngoài. Thản nhiên như không có vấn đề gì. Cũng không có bảo vệ trông xe đưa vé tính tiền. Ăn quán cũng vậy, người ta để xe bên ngoài và không nghĩ đến việc nó sẽ bị mất.
Mình hỏi thì người địa phương nói:
- “Ở đây ít có trộm. Ai cũng để xe ở ngoài. Tối mới dắt vô trong.”
- “Trộm có lấy thì phải chạy 40 km xuống Kon Tum, nên rất khó thoát.”
- “Dân ở đây ít, nên Công An biết mặt gần như tất cả hộ kinh doanh. Cướp khó hoạt động.”
Các cơ sở kinh doanh ở đây đã tiết kiệm không ít tiền vì không phải thuê nhân viên bảo vệ chỉ để trông xe. Họ có thể dùng tiền đó cho việc khác như trả lương hay tái đầu tư. Nếu làm vậy ở Sài Gòn thì bảo đảm sẽ không có khách hàng tin tưởng đến ăn.
Khi đến các tỉnh thành khác ở Việt Nam, điều làm mình ấn tượng nhất chính là việc ít trộm cướp. Ở đâu cũng có tệ nạn, nhưng theo trải nghiệm cá nhân, ở Sài Gòn nó đã trở thành một đặc sản. Nói vậy không phải là hạ thấp thành phố lớn nhất nước, nhưng đó là một thực tế.
Chỉ cần bạn để xe trên vỉa hè rồi rời đi vài phút, khả năng cao là nó sẽ biến mất. Hay nếu đang cầm điện thoại trên đường, bỗng dưng có bàn tay nào đó xuất hiện rồi giật nó đi thì cũng đừng quá bất ngờ.
Dần dần, nó trở thành điều bình thường và ai cũng coi là một phần của cuộc sống. Đó là vì sao mình ít khi nào dám cầm điện thoại ở ngoài đường quay tài liệu ở Sài Gòn, vì không muốn vĩnh biệt nó.
Nhưng khi ra Hà Nội hay Pleiku, mình thoải mái cầm điện thoại quay đường phố. Dù là ở trên vỉa hè hay khi ngồi đằng sau anh tài xế Grab. Tâm lý bỗng dưng thoải mái hơn vì không phải lo lắng.
Rồi khi quay lại Sài Gòn, mình lại mệt mỏi. Cảm thấy đau lòng cho đô thị lớn nhất Việt Nam.
Điều này khiến mình tò mò. Tại sao cướp ở Sài Gòn lại lộng hành đến vậy? Báo chí cũng hỏi câu tương tự nhưng không ai có câu trả lời hay giải pháp nào.
Hình chụp ở Măng Đen, 02.9.2023