Ai đóng Bảo Hiểm Xã Hội, doanh nghiệp hay người lao động?

Đây là một câu hỏi thử thách về khái niệm tài chính mà nhiều người sẽ mất thời gian để trả lời. “Bạn đóng bao nhiêu tiền Bảo Hiểm Xã Hội?” hay “Ai là người đóng Bảo Hiểm Xã Hội?”

Theo quy định Bảo Hiểm Xã Hội [BHXH] mới nhất từ năm 2022:

  • Người lao động đóng 10.5%.
  • Doanh nghiệp đóng 21.5%.
  • Tổng cộng là 32% cho Bảo Hiểm Xã Hội, y tế và tai nạn.
  • Mức đóng dựa theo lương cơ bản trong hợp đồng.

Vậy “Người lao động đóng bao nhiêu?”

Trước khi bạn trả lời vội thì hãy suy nghĩ thật kỹ vì nó giống như một câu hỏi mẹo. Theo dõi các cuộc tranh luận và ý kiến phổ thông, thì phần lớn chúng ta sẽ trả lời thẳng thắn:

“Người lao động đóng 10.5%, còn doanh nghiệp đóng 21.5%.”

Nếu nói vậy thì không sai, vì trong bản lương thì nó được ghi tương tự. Nhưng nếu chỉ có nhiêu đó thì chưa đủ vì bạn cần nhìn từ khía cạnh của cả người lao động và doanh nghiệp.

Khi thuê một nhân viên, tổng chi phí được quy trong gói lương. Từ mức lương cơ bản, hai tuần nghỉ phép, ngày lễ, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Những cái đó là gói lương của người lao động. Hay nhìn ngược lại, nó là tổng chi phí một doanh nghiệp phải trả để thuê một nhân viên.

Đây là điểm gây khó hiểu.

Doanh nghiệp không quá quan tâm tỷ lệ đóng BHXH là bao nhiêu, vì từ góc độ kế toán, nó chỉ là sự phân chia trong bảng lương.

Xin ví dụ.

  • Nhân viên A có gói lương 10 triệu, anh ta phải đóng 10.5% BHXH và doanh nghiệp đóng 21.5%.
  • Doanh nghiệp sẽ giảm phần lương xuống 8.3 triệu.
  • Sau đó tính thêm 21.5% BHXH, tổng gói lương là 10 triệu.
  • Bây giờ, trừ 10.5% BHXH của người lao động nữa thì còn 7.4285 triệu.

Doanh nghiệp thực chất không trả phần BHXH mà chỉ trừ đi từ gói lương của nhân viên. Giả sử bây giờ không có quy định BHXH thì nhân viên sẽ được nhận trọn phần lương 10 triệu.

Tại sao hiểu khái niệm này lại quan trọng?

Nó giải thích vì sao lương của người làm việc tự do hay gọi là freelancer lại cao hơn nhân viên có ký hợp đồng lao động. Đó là vì doanh nghiệp đã tự trừ khi phần BHXH. Nó thực sự là một phần trong gói lương của người lao động.

Vậy ai đóng Bảo Hiểm Xã Hội? Đó chính là người lao động. Doanh nghiệp chỉ là đơn vị trung gian khấu trừ để đóng hộ.

Khi hiểu được điều này, chúng ta sẽ nhận ra rằng bất cứ khoản thuế nào bị áp lên doanh nghiệp, thì người gánh cuối cùng sẽ là người lao động và người tiêu dùng. Sẽ ngây thơ nếu cứ nghĩ rằng doanh nghiệp trả khi họ chỉ lấy từ gói lương của bạn.

Cuối cùng, thế nào cũng có người hỏi: “Vậy sao không ghi quy định người lao động đóng 32% cho dễ hiểu, sao phải ghi là doanh nghiệp?”

Đó là một phần của nghệ thuật thu thuế. Việt Nam không phải là nước duy nhất làm vậy đâu mà chúng ta học hỏi từ Mỹ Âu. Nhiều nơi còn có mức bảo hiểm xã hội hay hưu trí lên đến 50% lương.

Vậy sao phải vòng vo và phức tạp hóa một chuyện đơn giản?

Các nhà hoạch định đã cân nhắc. Lý do là nó khiến cho người lao động cảm giác như họ đóng BHXH thấp hơn thực tế.

Giả sử bây giờ nếu nói “Người lao động phải đóng 32% cho quỹ bảo hiểm xã hội” thì bảo đảm đa số sẽ sốc. Họ sẽ phẫn nộ và không vui vẻ vì không ai muốn bị thu một phần ba tiền lương mình kiếm được.

Nhưng nếu nói “Người lao động chỉ đóng 10.5%, còn doanh nghiệp sẽ đóng 21.5%” thì nó trở nên dễ chịu hơn. Bạn sẽ không cảm thấy là con số đó quá lớn. Về mặt cảm xúc, nó làm cho doanh nghiệp và người lao động có cảm giác cả hai đang hỗ trợ nhau.

Khi cầm giấy lương mỗi tháng, dù một phần ba số tiền đã đi vào quỹ BHXH nhưng bạn vẫn vui vì chỉ thấy phần mình đóng là 10.5%, còn doanh nghiệp thì gấp đôi.

Nhưng dù tỷ lệ là bao nhiêu đi nữa thì gánh nặng chi trả vẫn thuộc về người lao động vì tất cả khoản đóng đều đến từ gói lương của họ.

Quay lại câu hỏi ban đầu, “Ai là người đóng tiền Bảo Hiểm Xã Hội?” Là bạn đó, chứ không phải ai khác.

Bóc Phốt Tài Chính, 11.9.2022