Mỹ tuy là cường quốc hàng đầu về kinh tế, nhưng cũng có người nghèo như bao nơi khác. Sau đây là vài con số thú vị:
- 582,000 người được tính là vô gia cư. Chiếm 0.17% dân số.
- 37.9. triệu người thuộc diện nghèo. Chiếm 11.6%.
- 41.2 triệu người đang dùng tem phiếu trợ cấp thức ăn. Chiếm 12.5%.
Nếu bạn đi những New York hay San Francisco, thì sẽ thấy không ít người vô gia cư xin tiền. Rộng hơn, nếu đã đến Sydney hay Paris, bạn cũng gặp không ít hình ảnh tương tự.
Nhưng tại sao? Tại sao ở các nước giàu có nhất vẫn có vấn nạn này.
Các nhà bình luận kinh tế và xã hội có một thuật ngữ để miêu tả nó: “Nghèo tự nguyện” [Voluntary poverty hoặc voluntary homelessness].
Đó là khi một cá nhân tự nguyện sống trong nghèo đói hoặc trạng thái vô gia cư. Chứ không phải vì hoàn cảnh, điều kiện, khả năng, hay sự thiếu vắng của trợ cấp.
Đây là cơ chế an sinh xã hội ở khối Mỹ Âu:
- Giáo dục miễn phí từ cấp 1 đến 3.
- Học phí đại học được vay, nếu có.
- Y tế miễn phí hoặc giá ưu đãi.
- Nhà cửa ở mức trợ giá cho gia đình nghèo.
- Tem phiếu lương thực cho ai đói.
- Cơ quan đào tạo và giới thiệu việc làm cho ai thất nghiệp.
Với tất cả những sự hỗ trợ, từ khi sinh ra cho đến khi qua đời, sẽ cực khó để một cá nhân sống nghèo. Ngay cả một người lười biếng nhất cũng có thể tìm được công việc với mức lương $15/h.
Khi xã hội đã tạo mọi điều kiện để bạn phát triển nhưng lại không tận dụng, đó là sự lựa chọn. Như một người chọn làm việc để làm giàu, bạn cũng có quyền sống nghèo cho đến khi thay đổi suy nghĩ.
Hàng loạt sắc dân khác đã nhập cư vào Mỹ Âu với hai bàn tay trắng. Nhưng chỉ sau một thế hệ, họ đã sở hữu nhà cửa và sự nghiệp. Người Hoa, Hàn, Mễ, hay Việt đều có vô số câu chuyện vượt khó để kể.
Ở Mỹ, nhóm thiểu thành công nhất là Người Châu Á, nhất là Ấn Độ, với thu nhập bình quân $99,000/năm, cao hơn $78,000 của người da trắng. Điều này càng khẳng định hoàn toàn không có sự bất công nào về chính sách.
So sánh với những Châu Phi, Nam Mỹ hay Việt Nam, người nghèo ở Mỹ Âu vẫn có dư thừa cơ hội. Họ không phải đi bán vé số, xuất khẩu lao động hay lấy chồng Đài Loan.
Tuy nghèo, nhưng 71% người nghèo đó lại sở hữu xe hơi, TV, điện thoại và tủ lạnh. Nếu so với tiêu chuẩn của thế giới, họ đang ở trong tốp 10% người giàu nhất.
Nghèo vì tác động vĩ mô là lỗi nằm ngoài kiểm soát của mỗi người. Còn nghèo tự nguyện, là khi xã hội cho bạn tất cả công cụ nhưng bạn vẫn không chủ động, thì đó thuộc trách nhiệm cá nhân chứ không ai khác.