Nếu có một quốc gia nào đó áp dụng khái niệm “Quyền Lực Mềm” triệt để và siêu thành công, thì không ai qua được Hàn Quốc.
Không sở hữu hạt nhân, họ không có tiếng nói đủ mạnh. Quy mô dân số chỉ 52 triệu, nên không thể nào so được với nước tỷ dân. Nhưng chẳng sao, họ sử dụng văn hóa của mình để lôi cuốn người khác.
Ban nhạc Black Pink tổ chức show diễn tại Việt Nam, kết quả là các mạng xã hội bàn tán và trở thành chủ đề chiếm sóng truyền thông. Mình không phải là người cuồng K-Pop, nhưng khó mà cưỡng lại sự tò mò.
Vậy Quyền Lực Mềm là gì?
Về cơ bản, có hai cách để bạn khiến người khác theo mình.
- Bằng vũ lực hay phương pháp “Cứng.” Điều này được thực hiện thông qua xâm chiếm, áp đặt, và ra lệnh cho đối phương phải quy phục.
- Bằng sự thuyết phục hay phương pháp “Mềm.” Thông qua văn hóa, giá trị, nghệ thuật, chính sách, và kinh tế.
Ở cấp cá nhân, bạn sẽ không bao giờ tiến xa nếu chửi bới và ép người khác. Muốn mối quan hệ lâu dài, bạn phải dùng tài năng để thu hút và lợi ích để duy trì.
Ở cấp quốc gia cũng tương tự nhưng quy mô lớn hơn. Giả sử bây giờ một quốc gia đem quân xâm chiếm nơi khác, nó không những khiến người dân bất mãn và tạo xung đột, mà còn tốn kém về nhân lực chỉ để duy trì trạng thái đô hộ. Cả thế giới sẽ ghét bỏ và tẩy chay bạn. Ví dụ tiêu biểu hiện tại là Nga khi đưa quân sang Ukraine.
Nhưng nếu một quốc gia dùng những giá trị và lợi ích kinh tế, họ sẽ kết bạn với tất cả. Như việc trao học bổng, viện trợ nhân đạo, xây dựng trường học, đào tạo nhân sự lãnh đạo, và giao lưu văn hóa. Chẳng có một lý do gì để ghét bỏ nhau. Đó là nghệ thuật chinh phục con người. Ví dụ tiêu biểu hàng đầu là Mỹ và Châu Âu, cũng như Hàn Quốc.
Ở Việt Nam, kết quả là sau gần ba thập niên bình thường hóa quan hệ với Mỹ, người dân coi Mỹ là biểu tượng của thịnh vượng và nhân văn. Người trẻ nói chuyện vài câu là thêm tiếng Anh vào cho cảm giác hiện đại, người kinh doanh dùng dollar, và dịch vụ đầu tư hộ chiếu chưa bao giờ hết sôi nổi.
Còn với Hàn Quốc, họ đã như thao túng tâm lý giới trẻ Việt Nam. Sau đây là vài ví dụ.
- Ca sĩ Erik trong bài “Chạm đáy nỗi đau” lại hát câu “Baby kajima” [Em yêu, xin đừng đi] mặc dù không hề cần thiết.
- Các bạn trẻ TikTok mờ đầu với câu “Annyeong” [Xin chào] mặc dù không liên quan gì.
- Sắc đẹp của diễn viên Hàn Quốc được dùng làm tiêu chuẩn mặc dù nó giả tạo.
- Mỗi lần ngôi sao hay ca sĩ Hàn Quốc nào đó đến Việt Nam thì sẽ chiếm sóng truyền thông.
- Sản phẩm Hàn Quốc xuất hiện khắp nơi và được coi là hàng chuẩn.
Bỏ qua việc ở Hàn Quốc, người dân có cái nhìn không thiện cảm về Đông Nam Á. Điều đó không có ý nghĩa nhiều, vì K-Drama đã đưa vào đầu khán giả hình ảnh của một quốc gia văn minh nơi đàn ông ga lăng và điển trai.
Không thể là liệt kê hết vì quá nhiều. Xét tổng quát, giới trẻ Việt Nam quá cuồng Hàn Quốc. Hay nhìn ngược lại, Hàn Quốc đã quá thành công trong việc chinh phục Việt Nam.
Ai muốn tìm hiểu thêm thì có thể đọc “Soft power – The means to success in world politics” của Joseph S Nye.