Tại sao người lao động lại rút tiền BHXH 1 lần?
Để hiểu, bạn cần đặt bản thân vào vị trí của người lao động.
Nếu bạn là một nhân viên văn phòng hay viên chức nhà nước, bạn có thể làm việc đến 60 tuổi vì bản chất công việc không yêu cầu nhiều sức lực. Bạn có thể chờ mà không cần số tiền đã góp vào BHXH.
Nhưng vấn đề là chỉ 9% lực lượng lao động Việt Nam có trình độ cao, 91% còn lại là lao động phổ thông hay tự do.
Nếu bạn là một công nhân trong nhà máy, công việc sẽ nặng và cơ thể sẽ xuống sức nhanh hơn một người làm văn phòng.
Còn nếu phải làm 20 năm liên tục, từ 20 tuổi đến 40 tuổi, thì đó là khoảng thời gian vàng của một người lao động.
Sau 40 tuổi, sức khỏe sẽ giảm, tay chân không còn nhanh nhẹn, và nhà tuyển dụng sẽ kén chọn. Bạn sẽ như một người mất việc và giá trị lao động giảm dần theo thời gian.
Cho nên không thể nào quy chung người làm văn phòng với công nhân, vì mức độ nặng nhọc khác nhau.
Bạn hãy thử lạm phụ hồ một ngày coi có chịu đựng được không? Khả năng là bạn sẽ xỉu vì mệt mỏi.
Tuổi thọ lao động của một công nhân rất ngắn. Nếu là bạn thì sẽ làm gì khi không có tay nghề, trình độ, học thức, tuổi trẻ, và sức khỏe?
Bạn sẽ muốn rút BHXH để lấy số tiền đó làm vốn. Đó có thể là về quê mở tiệm tạp hóa, đi học một cái nghề nào đó, hay đơn giản là lập gia đình.
Chứ không lẽ bạn muốn công nhân làm đến 60 tuổi?
Khi ngồi trong phòng có mạnh lạnh, bạn đang ở trong một thế giới khác, và dần quên đi xã hội bên ngoài đang trái nghịch với lý thuyết trên giấy.
Rồi bạn không hiểu
Tại sao người lao động lại rút tiền BHXH 1 lần?