Bài viết bắt đầu với câu hỏi. “Quốc gia nào trong lịch sử in tiền và nợ nhiều nhất?” Bạn hãy ngừng một chút để suy ngẫm vì câu trả lời sẽ bất ngờ. Nó không phải là một nước cộng hòa củ chuối nào ở Nam Mỹ, hay vương quốc chiến tranh ở Châu Phi.
Mà là Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, hay Mỹ, phiên bản La Mã của hiện tại. Chính điều này đã thúc đẩy một trào lưu để tìm giải pháp nhằm thay thế Dollar Mỹ.
Đây là nội dung tương đối hàn lâm nên sẽ làm theo phong cách Q & A. Nó giống như mình tự hỏi tự trả lời, hay tự gõ câu hỏi trên ChatGPT nhưng phiên bản con người.
Q | Nợ công Mỹ là gì?
Nó là tổng số tiền chính phủ liên bang [trung ương] Mỹ nợ thông qua hình thức bán trái phiếu. Chưa tính các khoản nợ khác như:
- Nợ cam kết thanh toán tiền hưu trí và y tế trong tương lai.
- Nợ cấp chính quyền tiểu bang và địa phương.
Q | Tại sao mỗi năm báo chí lại đưa tin “Mỹ vỡ nợ?”
Đó là vì chính phủ Mỹ thiết lập mức nợ trần vào năm 1917 với mục đích là kiềm chế chi tiêu công để không ai lạm quyền. Vài nước khác như Đan Mạch cũng áp dụng hình thức tương tự theo con số nhất định hoặc tỷ lệ của GDP. Nhưng vì nợ công và chi tiêu của Mỹ tăng mạnh liên tục nên được để ý hơn.
Khi số nợ công gần chạm mức trần, quốc hội Mỹ phải thông qua luật để nâng lên. Nhưng trong chính trị luôn có xung đột và lợi ích, nên quá trình bị trì hoãn đến phút cuối. Lần nào cũng vậy, nhưng họ vẫn nâng lên chứ không có chuyện vỡ nợ.
Q | Hiện tại vào tháng 5/2023, nợ công của Mỹ là bao nhiêu và mức độ ra sao.
32 nghìn tỷ [trillion] USD, dựa theo trang USDebtClock.
- $94,000 cho mỗi công dân.
- $247,000 cho mỗi người đóng thuế.
- Chiếm 120% GDP.
- Chi tiêu ngân sách $6 nghìn tỷ
- Thâm hụt ngân sách $1.4 nghìn tỷ
- Tiền lãi phải trả $568 tỷ mỗi năm
Q | Ai là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, tức người đang nắm giữ trái phiếu Mỹ lớn nhất?
Theo Peterson Foundation:
- Fed 35%
- Quỹ tương hỗ 15%
- Ngân hàng 10%
- Chính quyền tiểu bang và địa phương 9%
- Đơn vị khác bao gồm nước ngoài 22%
Q | Khoan. Nghĩa là Mỹ tự tạo trái phiếu, tự in tiền, tự mua, và tự trả. Sao giống mấy nước củ chuối vậy mà sao không bị chửi?
Y chang. Nhưng khác ở chỗ, USD là tiền dự trữ cho nên nó cho phép họ làm vậy. Nếu nước khác làm thì có lẽ đã sụp đổ, nhưng họ không sở hữu trạng thái đặc biệt của Mỹ.
Q | Chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ là ai. Hay nước nào là chủ nợ lớn nhất của Mỹ?
Theo Visual Capitalist, đơn vị nước ngoài nắm $7.3 nghìn tỷ nợ công Mỹ.
- Nhật, $1000 tỷ, 14.7% của tổng nợ nước ngoài nắm.
- Trung Quốc, $867 tỷ, 11.9%
- Anh Quốc, $655 tỷ, 8.9%
- Việt Nam, $37 tỷ, 0.5%, hạng thứ 36.
Q | Việc nước ngoài là chủ nợ Mỹ có đáng lo không?
Có và không. Cuồng hay cực đoan quá cũng không tốt.
Lợi là vì nó giúp đồng USD giữ trạng thái tiền dự trữ. Khi ai đó nắm nợ của mình, có nghĩa là họ coi tiền mình có giá trị. Điều đó đồng nghĩa là ở bất cứ thời điểm nào, sẽ luôn có lượng USD nằm bên ngoài nước Mỹ. Đó là một đặc ân Mỹ có được sau Thế Chiến 2.
Còn hại là vì vay nợ quá nhiều, nên phải trả lãi cho những nước khác có giá trị trái nghịch. Trung Quốc là ví dụ. Hiện tại nó nắm $867 tỷ [giờ đã nhiều hơn], lãi suất bình quân 4%, tiền lãi phải trả mỗi năm là $34 tỷ, đủ nuôi một đội quân.
Nhưng xét tổng quát. Mối quan hệ giữa con nợ và chủ nợ là lợi ích song phương. Tuy đôi bên ghét nhau nhưng cũng không thể đánh nhau vì sẽ bị ảnh hưởng lợi ích.
Q | Tại sao USD là tiền dự trữ của thế giới?
Sau Thế Chiến 2, các quốc gia thống nhất tại hiệp định Bretton Woods là sẽ dùng USD làm chuẩn. Với điều kiện là USD phải được quy đổi thành vàng ở tỷ giá $35/once.
Nghĩa là người ta không có tin tưởng Mỹ hay USD, mà là vàng. USD là phương tiện thanh toán.
Nhưng vào năm 1971, Nixon đã dẹp bỏ hiệp ước này. Từ đó, USD chỉ là tờ giấy như bao đồng tiền khác.
Q | Nếu USD là giấy, giá trị của nó là gì?
Đó là niềm tin. Cầm USD, bạn có thể dùng để thanh toán với các nước khác khi giao thương và được chấp nhận. Người ta tin tưởng vào những giá trị đa nguyên và tự do Mỹ mang lại.
Trong tương lai, nếu người ta không tin nữa thì USD sẽ trở thành giấy, nhưng chừng nào chuyện đó xảy ra thì không rõ.
Q | Hiện tại, đối thủ lớn nhất của USD là ai?
Đó chính là đồng Euro của Châu Âu, chiếm 20% lượng tiền dự trữ, còn Mỹ chiếm 60%. Hiện tại, bạn có thể dùng Euro và Dollar song song nhưng Dollar vẫn chiếm phần lớn vì có lợi thế sau Thế Chiến 2.
Q | Còn Nhân Dân Tệ có phải là đối thủ của USD không?
Có. Nhưng hiện tại nó chỉ chiếm 2% lượng tiền dự trữ. Người ta ít và ngại dùng nó vì chính phủ Trung Quốc kiểm soát quá chặt. Bạn không thể tự do giao dịch RMB được mà phải bị kiểm soát tỷ giá.
Q | Mỹ có vỡ nỡ và sụp đổ như La Mã không?
Dollar Mỹ vẫn chiếm ưu thế vì không có lựa chọn nào tốt hơn. Người ta vẫn mua trái phiếu Mỹ vì không biết nơi nào an toàn hơn.
Nhiều người hay so sánh La Mã với Mỹ. Cũng không sai vì không có gì tồn tại mãi mãi. Nhưng từ đỉnh điểm của La Mã vào thế kỷ thứ 2, đến sự sụp đổ của họ vào thế kỷ thứ 5, là hơn 300 năm. Đó là chưa tính 600 năm từ thời lập nền Cộng Hòa.
Còn Mỹ chỉ mới 200 năm tuổi, nếu so với La Mã thì còn 400 đến 700 năm nữa. Quá xa để lo lắng. Lúc đó con người liệu còn tồn tại không?
Chừng nào Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam không còn trữ Dollar nữa thì nên lo, giờ hãy tập trung cho hiện tại.
Q | Đã có một số nỗ lực nhằm thay thế Dollar Mỹ. Đi đầu là BRICS. Vậy, BRICS là nước nào?
Nó viết tắt cho Brazil, Russia [Nga], India [Ấn], China [Trung Quốc] và South Africa [Nam Phi].
Q | BRICS chiếm bao nhiêu GDP toàn cầu?
Đây là GDP của khối BRICS:
- Brazil: $1.4 nghìn tỷ
- Nga: $1.4 nghìn tỷ, giờ bị cấm vận nên thấp hơn.
- Ấn: $3.05 nghìn tỷ
- Trung Quốc: $17.72 nghìn tỷ.
- Nam Phi: $350 tỷ.
Tổng cộng là $24 nghìn tỷ, chiếm 39% GDP toàn cầu. Nếu gom chung lại, BRICS là một siêu cường quốc.
Q | Tại sao BRICS lại muốn thay thế Dollar Mỹ?
Vì họ không muốn phụ thuộc vào một tiền tệ nào, dù là Dollar hay Euro. Họ muốn có quyền tự chủ. Nhưng nguyên nhân chính là chế độ của họ có những giá trị trái nghịch với khối đa nguyên của Mỹ Âu.
Nga là nước độc tài dưới Putin. Trung Quốc là nước độc đảng. Brazil, Ấn Độ và Nam Phi chưa bao giờ là mô hình mẫu cho một quốc gia đa nguyên tự do.
Nếu phải dùng từ ngữ để miêu tả khối BRICS thì sẽ là chuyên chế, bao cấp và quan liêu. Bằng chứng ở dưới.
Khi dùng Dollar và Euro, họ phải tuân thủ luật pháp của Mỹ và Châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc họ không thể tự quyết chính sách giao thương toàn cầu. Cách duy nhất để thoát là từ bỏ Dollar.
Q | BRICS xếp thứ mấy trong bảng tự do kinh tế?
- Brazil: 143 trên 178
- Nga: 96 trên 178
- Ấn: 121 trên 178
- Trung Quốc: 107 trên 178
- Nam Phi: 90 trên 178
Còn nếu xét về tự do báo chí, họ xếp dưới trung bình với Trung Quốc ở vị trí áp chót cùng với Bắc Hàn.
Q | Nếu BRICS thiết lập tiền tệ mới, họ sẽ triển khai như thế nào?
Tương tự như khi khối Châu Âu thống nhất để lập ra đồng Euro. Họ sẽ tự tạo một tiền tệ với tỷ giá mới và dùng song song với tiền quốc gia. Khi giao thương với nhau, họ sẽ dùng để thanh toán thay vì dùng Dollar.
Ví dụ hiện tại khi một nhà xuất nhập khẩu Việt Nam muốn bán hàng với đối tác Brazil, khả năng cao là cả hai sẽ dùng Dollar để thanh toán. Nhưng nếu khối BRICS có đồng tiền mới, thì sẽ dùng. Dòng tiền sẽ không cần phải thông qua một ngân hàng Mỹ nào và sẽ được mua bán tự do. Như Bitcoin của khối BRICS.
Q | Khả năng thành công của khối BRICS là bao nhiêu?
Trên mức gần không và dưới cực thấp. Mặc dù chiếm 40% GDP toàn cầu, nhưng họ không nắm công nghệ lõi để có thể tác động mạnh.
Mặc dù là 2 thành viên trong Hội Đồng An Ninh, Nga đang bị cấm vận và Trung Quốc vẫn cần Mỹ Âu để giao thương.
Để đồng BRICS thành công, họ phải thuyết phục các nước trên thế giới cùng dùng. Nhưng vấn đề là họ không đủ uy tín để được tin tưởng.
Lý do một ai đó cầm Dollar, Euro hay Pound là vì họ tin tưởng và chính phủ đằng sau đồng tiền đó. Một doanh nhân có thể bình luận tự do mà không sợ bị trừng phạt như Jack Ma. Để tiền trong ngân hàng ở Mỹ Âu, bạn cũng không sợ là sẽ bị tịch thu mà không có lý do chính đáng.
Lấy Trung Quốc làm ví dụ. Bạn không thể tự do mua bán Nhân Dân Tệ, để tiền vào Trung Quốc rồi tự rút ra nước ngoài.
Xét về sức hút, BRICS bị cho là kém phát triển và bất ổn. Chính phủ của họ kiểm soát nền kinh tế quá nhiều và không ai muốn giao thương với các nước như vậy.
Giá trị của đồng tiền trong thời hiện đại nằm ở niềm tin vào thể chế, còn tiền không chỉ là tờ giấy.
Không chỉ BRICS, các nước xuất khẩu dầu cũng nhiều lần đề xuất thay thế Dollar Mỹ nhưng đều thất bại. Cho nên khả năng BRICS thành công như truyện cổ tích thành thực tế.
Lời cuối | Không có đế chế hay quốc gia nào tồn tại mãi mãi, nhưng trừ khi bạn có thể sống vài trăm năm để thấy kết quả, thì sẽ không thể biết được. Hiện tại, khối Mỹ Âu vẫn đi đầu, Dollar và Euro vẫn thống trị, và gần như không có dầu hiệu sụp đổ.
Có thể trong tương lai sẽ khác. Còn bây giờ, chúng ta vẫn di chuyển bằng AirBus, dành dụm tiền để mua túi LV, dùng Office 365 để làm việc, và tương tác trên Facebook bằng iPhone. Sẽ là một cực hình nếu một ngày nào không xa, những thứ đó biến mất. Cảm ơn bạn đã theo dõi.
Bóc Phốt Tài Chính, 18.5.2023