Nếu bạn muốn biết vì sao 90% du khách quốc tế không quay lại Việt Nam, thì đây là ví dụ. Nó cho thấy cách làm việc, tư duy, và tầm nhìn của chúng ta chỉ xoay quay việc tận thu để rồi bỏ quên cái dài hạn. Nói theo cách dân dã, “Khôn vặt.”
Theo quyết định của nhà quản lý của thành phố Hội An, từ ngày 15 tháng 5, tất cả du khách trong và ngoài nước phải trả phí như sau để tham quan phố cổ.
- Khách nội địa 80,000 đồng.
- Khách quốc tế 120,000 đồng.
Mặc dù chính sách này đã có từ lâu, nhưng đã được tạm bỏ trong các năm dịch COVID-19 để kích đầu du lịch. Khi thị trường phục hồi, nhà quản lý đã biểu quyết để áp phí trở lại.
Vậy vấn đề ở đây là gì? Nó chỉ làm du khách cảm thấy khó chịu vì bị tận thu, trong khi chất lượng dịch vụ không tương xứng. Nhưng trước khi nói thêm, chúng ta có thể tính nháp để dự đoán Hội An sẽ thu được bao nhiêu.
Trong năm 2022, theo Ủy Bản Nhân Dân Quảng Nam:
- Tổng lượt khách đến Hội An là 1,536,000.
- Khách quốc tế là: 614,000.
- Khách nội địa là: 922,000.
Dựa theo mức phí trên, doanh thu tối đa sẽ là:
- Từ khách quốc tế: 614,000 nhân $5.22 là $3,205,000.
- Từ khác nội địa: 922,000 nhân $3.47 là $3,448,000.
- Tổng doanh thu tối đa sẽ tầm: $6,650,000 hoặc $6.65 triệu.
- Nó chiếm tầm 6.2% tổng thu ngân sách 2,476 tỷ đồng của Hội An.
Đó không thể nào là con số thực tế vì không phải ai đến Quảng Nam và Hội An cũng chịu bỏ tiền mua vé chỉ để tham quan một khu phố cổ với diện tích nhỏ hơn 1 km2.
Trên giấy, bắt du khách mua vé sẽ ngay lập tức tăng doanh thu, nhưng trong dài hạn thì không.
- Về mặt tâm lý | Nó khiến du khách cảm thấy khó chịu. Khi biết mình bị tận thu như vậy, họ sẽ chọn địa điểm khác, và Hội An sẽ mất đi vô số du khách tiềm năng. Thay vì có 1.5 triệu người đến, đáng lẽ ra sẽ phải 2 hoặc 3 triệu. Nhưng thiệt hại đó không nằm trong báo cáo thu ngân sách.
- Về mặt thương hiệu | Nó vô tình tạo hình ảnh của một Hội An làm du lịch chụp giật. Du khách bây giờ có quá nhiều lựa chọn, tại sao họ phải đến Hội An? Về giá cả và chất lượng dịch vụ, Việt Nam không thể nào so sánh được với Thái Lan. Sẽ rất khó để thuyết phục người khác rằng Hội An đang chào đón du khách khi ngay từ đầu, họ chỉ là con bò để vắt sữa.
Gánh nặng của tư duy chụp giật này sẽ được chịu đựng bởi hàng trăm hộ kinh doanh độc lập đang hoạt động trong khu vực Hội An. Khi du khách cảm thấy bị lợi dụng, họ sẽ ngừng đến. Kéo theo đó là sự thất thoát về doanh thu và việc làm.
Đó là chưa nói đến chất lượng của dịch vụ.
Bán vé thu phí không có gì sai vì nhiều nơi cũng đã áp dụng. Mục đích là để dùng doanh thu để bảo tồn di tích. Nếu bạn muốn vào Angkor Wat, thì phải trả $37 cho một ngày tham quan. Nếu bạn muốn vào Bảo Tàng Paris, chi phí thấp nhất là tầm €52 cho vé 2 ngày.
Nhưng khác với phố cổ Hội An, Angkor Wat rộng 402 mẫu, còn Bảo Tàng Paris chứa vô vàng thành tựu nghệ thuật của nhân loại như bức tranh Mona Lisa. Bạn không cần phải là chuyên gia để thấy sự chênh lệch về di tích lịch sử và văn hóa.
Người ta không phàn nàn về bán vé, nếu nó tương xứng với giá trị. Nhưng tiếc thay, điều đó gần như trái ngược đối với khu phố cổ kế con Sông Hoài. Tuy đây chỉ là góc nhìn cá nhân của một người đã đến Hội An, nhưng phần lớn du khách cũng có suy nghĩ tương tự.
- Toilet công cộng thu phí nhưng quá dơ | Nhà vệ sinh bẩn là một nỗi ám ảnh của du khách khi đến đây. Nếu một việc nhỏ như vậy còn không cải thiện được, thì sẽ khó mà thuyết phục du khách Hội An là thành phố du lịch. Ẩm thực Hội An có thể ngon, người ta có thể chờ nửa tiếng chỉ để ăn ổ bánh mì, nhưng họ sẽ mất hết tinh thần khi bước vào một nhà vệ sinh bốc mùi.
- Quy hoạch lộn xộn | Tuy phố cổ là khu vực dành cho đi bộ, nhưng nét đẹp này bỗng dưng biến mất khi bạn phải chen lấn với những người bán hàng rong, bãi giữ xe, hay chiếc xe đang chạy. Dù chỉ là số ít, nhưng nó khiến du khách không cảm thấy thoải mái và có chút bất an.
- Giá cao nhưng chất lượng bình dân | Nếu bạn còn suy nghĩ Hội An là điểm đến giá rẻ, thì có lẽ đang sống vào hơn 10 hay 20 năm về trước. Một phòng khách sạn bây giờ cũng ít nhất 800,000 đồng, ngang với Đà Nẵng và các địa điểm khác, trong khi họ phong phú hơn rất nhiều. Hội An tự coi mình là một địa điểm du lịch gì? Cao cấp, bình dân, hay giá cao cấp nhưng chất lượng bình dân?
Sẽ không là vấn đề gì nếu Hội An là một vương quốc độc lập, nhưng vì là một sản phẩm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, nên quyết định ở nơi này sẽ có tác động đến thị trường toàn quốc.
Hãy đặt bản thân bạn vào vị trí của một bạn trẻ nước ngoài đang tìm hiểu về Hội An và Việt Nam. Họ lên TripAdvisor, Google hay các blog và thấy những thứ sau:
- “Visa vào Việt Nam, $25.”
- “Phí để vào Hội An, $5.”
- “Giá tour và khách sạn ngang với Thái Lan.”
Vậy có lý do gì để du khách đến nơi này trong khi nó không sở hữu bất cứ một lợi thế gì? Tại sao người ta phải chọn Hội An khi nó vừa đắt đỏ, lại quản lý lỏng lẻo, và chất lượng dịch vụ không nhất quán?
Họ sẽ không tiếc nếu mua món hàng 10 triệu hay ở khách sạn $500/đêm. Nhưng sẽ có cảm giác tận thu nếu đi đến đâu cũng phải trả vài chục ngàn. Giống như một thực khách ăn bữa tối tốn cả triệu với bạn bè vẫn cảm thấy vui, nhưng lại nhăn mặt khi bị bảo vệ của quán tính 5,000 đồng phí gửi xe.
Đó không chỉ là khách quốc tế, ngay cả khách Việt Nam trong nước cũng có suy nghĩ tương tự. Hội An không phải là nơi duy nhất vì những Quy Nhơn, Nha Trang, Quảng Bình, hay Hạ Long đa dạng hơn nhiều.
Tính khôn vặt và sự tận thu sẽ giết chết thương hiệu quốc gia. Nó chỉ khiến người ta nhớ đến Việt Nam là đất nước của những Trạng Quỳnh. Cho nên không khó để hiểu vì sao du lịch Việt Nam luôn bị chê và đánh giá thấp so với các nước khác.
Trong tương lai, có thể mô hình thu phí sẽ không còn nữa. Thay vào đó, sẽ có cách khác để huy động nguồn vốn như áp thuế giao dịch trong khu vực hay trích từ các cơ sở kinh doanh. Khách càng đến, các nhà hàng và khách sạn có thêm tiền, và việc góp một phần trong doanh thu không còn là gánh nặng nữa.
Nói ra không phải là để chê bai Hội An, mà nhằm mong muốn nơi này tái xây dựng hình ảnh của một thành phố du lịch thân thiện. Thu phí có thể sẽ mang lại số tiền lẻ, nhưng nó sẽ tiêu hủy thương hiệu, và Hội An sẽ được nhớ đến không phải là một phố cổ, mà là nơi tận thu để rồi một đi không quay lại.
Yêu Hội An.
Nguyễn Trọng Nhân, 4.4.2023