Vì có quá nhiều người dân tranh nhau rút tiền trong Bảo Hiểm Xã Hội [BHXH] nên nó có nguy cơ bị vỡ.
Báo Vietnamnet viết, “Về bản chất, những người rút BHXH một lần là nhóm người đang trong độ tuổi lao động từ bỏ nghĩa vụ nuôi dưỡng những người đang nghỉ hưu.”
Để giải thích vấn đề, bạn phải hiểu những thứ như sau. Đây là tổng thu chi trong năm 2022, theo báo cáo chính thức của BHXH:
- Tổng thu: 464,658,755 triệu đồng.
- Tổng chi: 376,976,636 triệu đồng.
- Tỷ lệ thu/chi: 1.23
- Tỷ lệ thu/chi theo %: 81%
- Tổng người tham gia: 12.24 triệu
- Tổng số người rút BHXH một lần: 800,000
- Tổng dân số Việt Nam: 99 triệu
- Tổng số người tham gia lực lượng lao động: 52 triệu
- Tổng số người đang hưởng lương hưu: 3.3 triệu
Dựa theo các con số trên, chúng ta có thể kết luận:
- Cứ mỗi 1.23 đồng BHXH thu, họ phải chi 1 đồng.
- Cứ 1 người hưởng lương hưu, có 3.7 người đang đóng BHXH, và 15 người đang lao động.
Vỡ quỹ BHXH là nghĩa gì?
- Là khi tổng thu thấp hơn tổng chi.
- Đó là khi số tiền BHXH thu được thấp hơn số tiền quỹ phải trả.
- Nó có thể xảy ra khi số người hưởng lương hưu nhiều hơn số người đóng góp.
- Khi số lượng người rút BHXH một lần tăng đột biến, tiền trong quỹ có thể không đủ để chi trả.
- Điều đó có thể xảy ra, nhất là khi Việt Nam không còn dân số vàng.
Vậy vấn đề với mô hình hưu trí tập trung của nhà nước là gì?
- Nó giả định rằng tỷ lệ người hưởng hưu trí sẽ luôn thấp hơn số người đi làm.
- Nó giả định số tiền thu sẽ nhiều hơn số tiền chi.
- Nó giả định số người sống đủ lâu đến tuổi hưởng lương hưu sẽ không nhiều.
Ngay cả mô hình ở Mỹ Âu cũng vậy. Đó là vì sao chính phủ Pháp phải nâng tuổi về hưu lên 64 và bị dân phản đối. Nhưng không làm vậy thì sẽ vỡ quỹ.
Social Security ở Mỹ cũng đối mặt với sự mất cân bằng tương tự. Vì người già sống càng lâu, trong khi người trẻ không chịu đẻ.
Hiện tại, lực lượng lao động Việt Nam đang ở đỉnh, nên khả năng đó khó xảy ra. Nhưng với tỷ lệ sinh đẻ 1.3 như hiện tại, nhất là ở Sài Gòn, thì trong tương lai, đó là điều hoàn toàn có thể.