Vay tiền ngân hàng ở Việt Nam không khác gì một cực hình. Không chỉ vì lãi suất cao, thủ tục rườm rà, mà bây giờ còn phải tốn thêm chi phí ngầm. Nếu trước đây người vay phải “Bôi trơn” thì bây giờ, hình thức đó đã được tiến hóa thành “Mua bảo hiểm nhân thọ.”
Báo chí có đề cập nhưng không giải thích vì sao. Lãnh đạo ngân hàng cũng im lặng. Vậy vấn đề ở đây là gì?
Trước khi vào chủ đề, xin lưu ý đây chỉ là nội dung phân tích cá nhân chứ không phải là thông tin chính thức.
Bây giờ khi vay tiền ngân hàng, họ sẽ ép khách mua gói Bảo Hiểm Nhân Thọ thì mới chịu giải ngân. Đúng hay sai?
Đúng. Không rõ là bao nhiêu nhưng nó trở thành quy luật trong vài năm trở lại đây. Như một hiện tượng mà không có câu trả lời thỏa đáng. Nói là ép thì cũng không chính xác vì hoàn toàn không có văn bản hay hợp đồng nào yêu cầu điều đó. Tất cả giao dịch đều tự nguyện. Nó giống như một quy luật ngầm hay phi chính thức.
Tại sao ngân hàng lại làm vậy?
Báo chí không giải thích được, lãnh đạo ngân hàng cũng im lặng, và người làm trong ngành cũng không hiểu vì sao.
Nhưng từ góc độ lợi nhuận thì bán Bảo Hiểm Nhân Thọ [BHNT] là cách thu lời nhanh nhất vì mô hình trả hoa hồng của họ.
- Nhân viên tư vấn BHNT hưởng 40-50% giá trị của năm đầu tiên.
- BHNT bán ở ngân hàng thì cũng hưởng chiết khấu ở mức tương tự. Nhân viên hưởng 5-10%, còn lại thì chảy vô chỗ khác, từ giám đốc chi nhánh đến vùng.
Mô hình trả hoa hồng này đã bị lên án từ lâu vì nó khuyến khích sự chụp giật. Nhân viên tư vấn vì muốn chốt hợp đồng nên sẽ nói bất chấp. Điều này dẫn đến nhiều xung đột về lợi ích của khách hàng khi không đọc và hiểu rõ hợp đồng.
Bảo Hiểm Nhân Thọ có thay thế bảo hiểm khoản vay không?
Không. Hai cái hoàn toàn khác nhau. Ngân hàng có quyền yêu cầu khách mua thêm bảo hiểm khoản vay nếu họ cho rằng khách quá rủi ro và sẽ mất khả năng chi trả trong tương lai.
Ở Úc, Mỹ và Châu Âu thì đây là điều bình thường. Ví dụ khi mua căn nhà $500,000, bạn chỉ cọc 5% thì ngân hàng sẽ bắt mua thêm bảo hiểm. Nhưng họ sẽ ghi rõ là “Bảo hiểm khoản vay” [Lenders mortgage insurance] chứ không phải là “Nhân thọ.”
Mục đích là nếu bạn thất nghiệp, gặp tai nạn hay qua đời thì họ sẽ dùng tiền bảo hiểm để trả cho khoản vay. Nhưng đó là nếu bạn bị coi là quá rủi ro và bất ổn.
Còn BHNT chi trả khi người mua bị bệnh hay tai nạn, chứ nó không liên quan gì tới khoản vay. Nếu bạn mua BHNT khi vay thì ngân hàng sẽ miễn từ “bảo hiểm khoản vay” cho bạn. Chính điều này làm nhiều người bực bội, vì họ cảm giác mình phải gánh thêm chi phí không rõ ràng.
Ngân hàng sẽ ép khách mua Bảo Hiểm Nhân Thọ bằng cách nào?
Dựa theo lời của nhiều người đã vay, thì ngân hàng không có “ép.” Ban đầu họ sẽ chào mời gói BHNT. Sau đó nhắc khéo là phải mua để phòng hờ thì mới giải ngân. Nghĩa là trên giấy tờ, khách hoàn toàn tự nguyện. Cho nên rất khó cãi.
Nhưng tất cả dựa trên sự hiểu biết ngầm là nếu không mua gói BHNT, người vay sẽ không được giải ngân. Ngân hàng sẽ viện cớ như “Thủ tục có vấn đề,” “Chờ cấp trên phê duyệt” hay “Hồ sơ đang được đánh giá.”
Nghĩa là người vay không hề bị ép theo đúng nghĩa, nhưng nếu họ không tự nguyện, thì sẽ không được vay. Nghe khó hiểu đúng không?
Khách mua Bảo Hiểm Nhân Thọ xong rồi làm gì?
Họ mua xong rồi hủy và chịu mất số tiền cho năm đầu của BHNT. Vì mục đích là để giải ngân.
Ví dụ muốn vay 5 tỷ, bạn phải mua gói BHNT 50 triệu. Xong rồi hủy, mất 50-90% số tiền đó.
Nếu khách đã có Bảo Hiểm Nhân Thọ rồi thì sao?
Họ vẫn phải mua thêm gói BHNT mới khi vay. Chính điều này làm nhiều người phẫn nộ. Vì BHNT không còn là để bảo vệ sức khỏe nữa, mà là một phần của thủ tục. Mỗi lần vay là phải mua thêm.
Ép khách mua Bảo Hiểm Nhân Thọ có phải là tiền lót tay không?
Nhiều người thích thuyết âm mưu thì sẽ nói vậy. Trước đây muốn vay thì phải “lót tay.” Bây giờ thì phải mua BHNT. Từ nhiều góc độ, nó cũng tương tự, nhưng không liên quan gì.
Công ty Bảo Hiểm Nhân Thọ có cấu kết với ngân hàng để hưởng lợi không?
BHNT chỉ hưởng lợi nếu khách hàng ở lại lâu dài. Tiền của năm đầu tiên dùng để trả cho nhân viên tư vấn và chi phí vận hành. Nên nói họ cấu kết với ngân hàng thì rất oan vì đây là quyết định của ngân hàng. BHNT thực sự muốn bạn tham gia nhiều năm, chứ không phải mua rồi hủy.
Tác hại của việc ép khách vay mua Bảo Hiểm Nhân Thọ là gì?
Nó tạo hình ảnh quan liêu trong mắt nhiều người vì đa số sẽ liên tưởng tới chi phí lót tay. Nó làm cho nhiều người ghét BHNT, từ sản phẩm nhân văn, nó trở thành cái gai trong mắt người vay. Cho nên không trách sao BHNT bị coi là bán hàng đa cấp.
Về mặt uy tín, nó đang hủy hoại thương hiệu của BHNT cũng như những người chân chính làm trong ngành. Vì khi nghĩ đến BHNT, họ quy chụp nó là hình thức quan liêu.
Về lâu dài, nó không khuyến khích con người suy nghĩ dài hạn hay an tâm để tham gia hệ thống hưu trí tư nhân. Tất cả vì ngân hàng ép họ mua BHNT.
Rồi giải pháp là gì?
Đây không phải là câu hỏi cho người thường mà nên dành cho những ai có quyền quyết định. Cần phân biệt rõ “Bảo hiểm khoản vay” và “Bảo hiểm nhân thọ.” Đừng gom chung lại rồi khiến hình ảnh bảo hiểm trở thành cái gai trong mắt nhiều người.
Nếu ngân hàng cho rằng khách quá rủi ro và không có khả năng chi trả thì có thể bắt họ mua “Bảo hiểm gói vay” và gọi nó là “Bảo hiểm gói vay.” Đừng lôi Bảo Hiểm Nhân Thọ vô.
Lời kết
Nội dung trên được tóm tắt qua lời kể của những bạn làm trong ngành bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng. Tác giả chỉ là người trình bày lại. Mong tình trạng này kết thúc để Bảo Hiểm Nhân Thọ trở về đúng vị trí của nó, thay vì là công cụ bôi trơn gây phiền hà. Cảm ơn bạn đã theo dõi.
Bóc Phốt Tài Chính, 14.12.2022