Phạm Chi Lan là một người phụ nữ có sức ảnh hưởng không hề nhỏ khi là thành viên của Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp Việt Nam hay gọi tắt là VCCI. Khi bà ấy nói gì, khả năng cao là nó sẽ trở thành tiêu đề trong báo chí vào ngày hôm sau.
Nhưng nếu phải nêu một câu được nhắc lại nhiều nhất thì có lẽ là “Việt Nam là quốc gia không chịu phát triển.” Hay ít ra, báo chí và các blog ghi như vậy.
Nguyên văn là như sau.
“Một số chuyên gia World Bank còn nói đùa Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới. Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước không chịu phát triển.
Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là không chịu phát triển.”
Nguồn gốc của phát biểu đó là từ một hội nghị tại Đà Nẵng vào năm 2015. Khi bạn đọc nội dung này vào cuối năm 2022 thì hơn 7 năm đã trôi qua và mọi thứ vẫn vậy. Độc giả vẫn cảm thấy vừa hài hước và chạnh lòng khi suy ngẫm về câu nói châm biếm nhưng nghiêm túc đó.
Nhưng ý nghĩa của nó là gì?
Kể từ sự Đổi Mới 1986 cho đến nay, Việt Nam đã biến đổi chóng mặt từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường. Từ quốc gia với GDP đầu người chỉ $400 thành $3600 và dự tính sẽ lọt vào top 20 vào năm 2036 theo dự đoán của tổ chức kinh tế CEBR.
Dựa theo Statista, Việt Nam là quốc gia có số giờ làm việc cao hàng đầu thế giới. Khi người Châu Âu chỉ cần làm việc 1,500 tiếng mỗi năm, thì người Việt Nam phải làm đến 2,600 tiếng.
Nghĩa là người Việt Nam không hề lười biếng. Họ khát khao để thoát nghèo. Nếu làm giàu ở quê nhà không được, họ sẽ lên thành phố, đi xuất khẩu lao động, lấy chồng ngoại hoặc định cư nước ngoài. Nhưng éo le thay, thu nhập bình quân vẫn thấp và luôn bị cho là vùng trũng.
Vậy “Việt Nam không chịu phát triển” ở chỗ nào?
Ẩn ý của bà Phạm Chi Lan nên được dịch ra là “Việt Nam đáng lẽ ra có thể phát triển nhanh hơn và trở nên giàu có hơn. Nhưng hiện tại là quá chậm so với tiềm năng và quy mô.”
Bà ấy cũng không ngần ngại chỉ ra vài vấn đề như quan liêu.
“Một điều tra cho thấy, ở Việt Nam, trung bình cứ 1 đồng lợi nhuận thì doanh nghiệp phải mất 1.02 đồng cho bôi trơn.”
Hay về lợi ích nhóm trong bất động sản, một điều nhà nước hiện nay đang giải quyết triệt để.
“Giàu có bằng bất động sản không hẳn là tài kinh doanh mà là nhờ quan hệ.”
Tuy chỉ là một cá nhân bé nhỏ nếu so với bà Phạm Chi Lan, nhưng tác giả cũng có thể nêu thêm vài vấn đề, như:
- Gánh nặng thuế: tỷ lệ thuế trên GDP của Việt Nam vào năm 2020 là 22.7%, cao nhất trong khối Đông Nam Á.
- Thủ tục hành chính rườm rà: đó là vì sao các công ty của Việt Nam như Tiki và Vinfast lại chọn đăng ký ở Singapore thay vì quê nhà.
- Giáo dục: chỉ 9% lực lượng lao động ở Việt Nam có tay nghề cao, theo ILO [viết tắt Tổ chức lao động quốc tế].
- Thị trường thiếu cạnh tranh: khi 60% tỷ trọng trong thị trường chứng khoán Việt Nam được thống trị bởi ngân hàng và bất động sản.
Nếu phát triển là xây thật nhiều dự án bất động sản, thổi giá nhà đất, hay tạo ra tầng lớp doanh nhân phất lên nhờ đầu cơ, thì Việt Nam quá thành công rồi.
Nhưng phát triển ở đây là về chất lượng sống, y tế, giáo dục, môi trường và niềm tin. Đó là những thử thách.
Bạn cũng không cần là Phạm Chi Lan để nhìn và tự hỏi:
- Tại sao Việt Nam có hơn 3,260 km bờ biển và hàng loạt danh lam thắng cảnh nhưng chỉ thu hút 18 triệu du khách trong năm 2019, so với 40 triệu du khách đến Thái Lan.
- Tại sao sinh viên Việt Nam luôn được đánh giá cao nhưng phần lớn những người giỏi lại chọn lập nghiệp ở nước ngoài. Trong 20 nhà vô địch Đường Lên Đỉnh Olympia, chỉ 3 người chọn trở về.
- Tại sao hộ chiếu Việt Nam chỉ được miễn visa đến 65 nước và dịch vụ làm visa là một cái ngành.
Nguyên nhân chính là gì? Vấn đề rất dễ thấy nhưng khó giải thích. Xoay qua lại thì chỉ có một. Nhưng khi bàn luận, các chuyên gia và nhà phân tích lại thích đi đường vòng.
Đừng hiểu sai. Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển. Chỉ là không đạt đến mức tối ưu nhất. Đó là ý nghĩa của câu “Việt Nam là quốc gia không chịu phát triển.”
Đáng lẽ ra, Việt Nam phải giàu có hơn rất nhiều so với hiện tại. Nhưng vì có quá nhiều rào cản tự nhiên lẫn nhân tạo, nó vẫn là câu hỏi chưa có giải đáp.
Bóc Phốt Tài Chính, 01.12.2022