Trước tiên, “bóc phốt” chỉ là thuật ngữ câu view chứ không có gì phốt ở đây. TCBS là một công ty chứng khoán uy tín mà mình đang sử dụng.
Tóm tắt vụ việc như sau.
[1] TCBS là gì?
TCBS là Techcombank Securities, công ty chứng khoán của ngân hàng Techcombank.
[2] TCBS bán gì?
Họ là công ty môi giới chứng khoán. Một trong những sản phẩm là chứng chỉ quỹ tên TCBF.
[3] Quỹ TCBF là gì?
TCBF là quỹ trái phiếu. Họ mua sỉ các trái phiếu doanh nghiệp rồi bán lẻ lại cho nhà đầu tư cá nhân. Thay vì phải tốn hàng trăm triệu hay hàng tỷ đồng, bạn có thể sở hữu một chứng chỉ quỹ trái phiếu từ 10,000 đồng với lãi suất ước tính tầm 10%.
Hiện tại quỹ sở hữu 15 trái phiếu doanh nghiệp khác nhau. Dựa theo nguyên lý đa dạng hóa thì nó phân chia rủi ro và nhắm đến tính an toàn.
TCBS là đơn vị đứng ra phát hành, trả trái tức và cam kết mua lại khi nhà đầu tư muốn bán.
[4] Vấn đề với TCBF là gì?
Về lý thuyết thì quỹ phải đa dạng, nhưng về thực tế thì không. Vì tỷ trọng hiện tại là:
- VinGroup chiếm 40%.
- Masan chiếm 26%.
- Novaland chiếm 7.5%.
Nghĩa là 73% tiền của quỹ tập trung vào chỉ 3 doanh nghiệp. Cả 3 đều có lãi suất thả nổi theo cơ chế “3.8% cộng lãi suất tham chiếu.”
Khi thị trường có biến động thì quỹ cũng vậy.
[5] Thanh khoản của TCBF là gì?
Thanh khoản là mức độ tài sản gì đó được mua bán. Thanh khoản càng cao, giá cả càng ít bị ảnh hưởng, và ngược lại.
TCBS là đơn vị phát hành và mua lại với giá cam kết, không rõ là theo thị trường hay cố định. Ví dụ, một chứng chỉ quỹ có giá 10,000đ. Nếu thị trường giảm thì họ mua lại với giá thấp hay cao hơn?
Họ tính phí mua lại 1% và quản lý, đó là cách họ kiếm lời.
[6] Tại sao nhiều người tự dưng rút tiền khỏi TCBF?
Sau nhiều vụ tai tiếng liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, nhất là Vạn Thịnh Phát và SCB, thì nhiều người lo sợ vì mất niềm tin. Nên họ bán.
- Giá TCBF ở đỉnh: 16,597 đồng.
- Giá TCBF bây giờ: 12,863 đồng.
- Giảm 3734đ hoặc 22.4%.
[7] Vậy tại sao TCBS không mua lại hết như cam kết?
Vì giá trái phiếu họ sở hữu đã giảm quá sâu.
- Trái phiếu Vinfast có lãi suất tầm 10% nhưng lợi suất [yield] đến 19%. Nghĩa là đã giảm tầm 9%, con số có thể thay đổi.
- Trái phiếu Masan cũng giảm giá tầm 14%, con số có thể thay đổi.
Khi quá nhiều người muốn rút [bán] thì TCBS không thể đáp ứng kịp thời được. Làm vậy thì họ sẽ lỗ. Ví dụ dễ hiểu thì họ mua ở giá 100đ nhưng giờ phải bán ở mức 85-90đ.
Còn không thì phải mua lại ở mức thị trường và nhà đầu tư phải chịu lỗ.
[8] Giải pháp TCBS đề xuất với nhà đầu tư là gì?
Họ khuyến nghị nhà đầu tư đừng rút ồ ạt. Nếu muốn rút thì phải từ từ để giá không giảm mạnh. Điều này nhằm bảo đảm sự ổn định cho tất cả.
[9] Nhưng tác động là gì?
Nó càng làm nhà đầu tư cá nhân lo sợ thêm. Nhiều người nghĩ rằng TCBS lừa đảo khi đã không thực hiện cam kết. Họ rút không được nên tức giận.
Nhiều người nghĩ là mua chứng chỉ quỹ trái phiếu là sẽ không lỗ nhưng chỉ đúng nếu họ không bám sớm theo thị giá.
[10] TCBS có lừa đảo không?
Không. Sẽ vô lý nếu nói vậy. Chỉ là họ kẹt thanh khoản thôi. Giá cả trái phiếu lên xuống theo cung cầu chứ không thể cố định được. Còn TCBS sẽ giải quyết ra sao và có thuyết phục không thì chờ trả lời.
[Lưu ý] Nội dung trên chỉ là ý kiến cá nhân chứ không phải thông tin chính xác.