“Bạn cống hiến cho tổ quốc chưa?”
Khi bàn về chủ đề kinh tế ở cấp địa phương và quốc gia, đây là một trong những câu bạn sẽ được nghe nhiều nhất. Chỉ cần nói ra, người đối diện ngay lập tức đưa đối phương vào vị thế bế tắc. Không phải vì nó khó, mà vì khái niệm “cống hiến” và “tổ quốc” là cái gì đó quá vĩ đại đối với phần lớn chúng ta. Mình cũng không phải là ngoại lệ.
- “Bạn đóng góp gì chưa?”
- “Bạn đã làm gì cho đất nước chưa?’
- “Bạn cống hiến gì chưa?”
Trọng lượng chữ nghĩa ẩn chứa đủ nặng để san lấp tư duy độc lập. Bạn sẽ im lặng, suy nghĩ rồi tìm câu trả lời cho một thử thách trí tuệ không có giải đáp.
Mình chỉ là một công dân, người đi làm thuê, nhân viên nhận lương và một cá nhân bình thường như hàng triệu người khác. Vậy cống hiến hay đóng góp là nghĩa gì?
Mình phải cầm súng ra chiến trường, phải hô khẩu hiệu, phải trở thành doanh nhân triệu đô, phải sáng lập công ty tỷ đô, phải có sáng chế tác động toàn cầu, phải có sức ảnh hưởng đến hàng triệu người, phải có chức vụ, phải nổi tiếng, hay phải có thật nhiều tiền?
Nếu đó là định nghĩa của cống hiến thì mình chưa đạt tiêu chuẩn và hơn chín mươi triệu người dân thường ngoài kia cũng tương tự.
Đó là vì sao mình lại tìm đến Adam Smith.
Cống hiến không yêu cầu bạn làm quá nhiều đâu, mà nó diễn ra gần như vô giác ở mặt tiền tệ mỗi ngày trong cuộc sống.
- Bạn đi làm, nhận lương và đóng thuế. Khoản tiền đó được gửi vào ngân sách. Khi hàng triệu người làm vậy thì số tiền đó trở thành cái quỹ tài chính khổng lồ để nhà nước chi trả cho viên chức, duy trì quân đội, xây bệnh viện và bảo đảm sự vận hành cho hàng tá dịch vụ công khác. Ở cấp cá nhân thì bạn sẽ không nhận ra vì số tiền quá nhỏ, nhưng khi có sự cộng hưởng tập thể, nó trở thành sức mạnh khổng lồ.
- Bạn ăn uống, mua sắm đổ xăng hay đi du lịch thì sẽ phải đóng thuế mỗi lần giao dịch. Số tiền đó sẽ được dùng để tạo công ăn việc làm, nhân viên nhận lương sẽ tiếp tục sử dụng khoản thu đó để tái tạo nhu cầu trong xã hội. Đó là hiệu ứng chuỗi trong nền kinh tế quốc gia.
- Bạn tích lũy, gửi vào ngân hàng hay đưa vào hệ thống tài chính, số tiền đó trở thành vốn để cỗ máy sản xuất có thể hoạt động. Doanh nghiệp lấy để phát triển, tạo việc làm, mang lại lợi nhuận và đóng thuế. Ở cấp cá nhân, đó là sự giàu có của bạn. Còn khi gom lại cùng hàng triệu người khác, đó là thịnh vượng quốc gia.
- Bạn đi du học, đi làm ở nước ngoài hay nói chuyện với bạn bè quốc tế, thì đang tạo hình ảnh về đất nước. Khi người khác cảm thấy được quyến rũ, họ sẽ đến đây du lịch và đầu tư. Vị thế quốc gia được nâng cấp trong mỗi đợt tương tác.
Miễn sao bạn đừng làm gì phạm pháp hay gây thiệt hại cho người khác.
Đó là sự cống hiến cho đất nước bạn làm mỗi ngày trong cuộc sống. Bạn không có ý định làm vậy mà chỉ muốn kiếm lợi ích cho bản thân vì ích kỷ. Nhưng để đạt được điều đó, bạn phải hợp tác với người khác và tạo giá trị cộng sinh. Bạn theo đuổi mục tiêu riêng và người khác cũng vậy, nhưng lại vô tình góp sức cho sự thiết lập thịnh vượng của xã hội và đất nước.
Mình gọi đó là “Lòng yêu nước vô giác” hay “Sự cống hiến tự nguyện.”
Nó xảy ra thầm lặng mỗi lần bạn mua ly cà phê, dẫn cô gái đi ăn, mua cổ phiếu, đặt vé máy bay, tận tâm làm việc hay xuất khẩu hàng hóa. Dù là ở trong hay ngoài nước.
Nó cũng không phân biệt bạn là ai, học thức cao hay thấp, làm việc ngoài trời nắng hay ngồi trong phòng máy lạnh, ở vùng quê hay thành phố, hay địa vị là gì. Đất nước là sự tổng hợp của con người. Nếu thiếu đi cô thợ may, chú xe ôm, anh thiết kế, chị kế toán hay bác nhà văn, nền kinh tế sẽ ngừng hoạt động. Mọi thứ sẽ chỉ là hư vô. Tất cả đều đang hỗ trợ cho nhau và đóng góp cho nơi mình sống mỗi ngày.
Quay lại câu, “Bạn cống hiến cho tổ quốc chưa.” Sự tồn tại và đóng góp của bạn đã là khoản cống hiến rồi. Nó là một câu hỏi tưởng chừng như vĩ đại nhưng sáo rỗng và vô nghĩa khi suy ngẫm lại.
Nguyễn Trọng Nhân, 05.10.2022