“IELTS là tờ giấy chứng minh năng lực tiếng Anh của một cá nhân. Điểm càng cao, có nghĩa là bạn càng giỏi và cơ hội học tập và nghề nghiệp càng mở rộng. Người có IELTS 8 chấm giỏi hơn người 7 chấm. Còn bạn thì được mấy điểm IELTS rồi?”
Ngừng lại chút đã.
Bạn có thấy khó chịu với phần mở đầu của nội dung này không? Khỏi cần trả lời thì mình cũng đoán là có. Vì không rõ từ bao giờ, điểm số IELTS lại được coi là thước đó năng lực, đánh giá tài năng và là minh chứng cho đẳng cấp.
Nếu sinh sống, học tập và làm việc ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội và Đà Nẵng thì khi ra đường, bạn sẽ thấy tràn ngập biển quảng cáo của các trung tâm tiếng Anh về luyện thi IELTS.
Trên các mạng xã hội thì sự tranh cãi cũng trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm. Phan Quỳnh, Hana’s Lexis, Khánh Vy, Đặng Trần Tùng hay Đạt Datio là những ngôi sao trong showbiz tiếng Anh.
Trong trường, khi bạn học hỏi về điểm số IELTS, họ sẽ dùng nó để đánh giá khả năng học tập để rồi quyết định có nên chơi thân không. Trong công ty, khi đồng nghiệp hỏi tương tự, thì đó là một trong những cách để cân nhắc nên tôn trọng bạn hay không.
Sự việc không cực đoan đến mức đó, mình chỉ dùng để miêu tả một thực tế là, ở một xã hội trọng bằng cấp như Việt Nam thì IELTS lại được thần thánh hóa đến mức vượt xa mục đích ban đầu.
Vậy sự thật về IELTS là gì và liệu nó có đáng để chúng ta tôn sùng không?
Tuy đây chỉ là quan điểm cá nhân, nhưng mình tự tin là sẽ phân tích công bằng nhất.
IELTS có giá trị không?
Đương nhiên là có. Nó là minh chứng cho năng lực tiếng Anh của bạn. Có nó không có nghĩa là một người nào đó giỏi, nhưng nói lên ít nhiều về trình độ. Không phải ai đạt điểm IELTS cao cũng giỏi nhưng nó là bằng chứng bạn đã đạt đến mức độ thành thạo nào đó.
Cũng như một ai đó học tiếng Hàn, Hoa, Đức hay Pháp. Để xét năng lực thì người ta vẫn có các kỳ thi và chứng chỉ. Còn nếu chỉ đánh giá qua bề ngoài thì rất cảm tính. Kỹ năng nói, nghe, đọc và viết luôn cần thiết dù học ngôn ngữ nào đi nữa.
Cho nên nếu muốn cho người khác thấy năng lực thì hãy lấy chứng chỉ IELTS trừ khi bạn là thiên tài và quá nổi tiếng.
Nhưng liệu có quá đáng để nói rằng hiện tại xã hội hơi đề cao những IELTS và ngoại ngữ không. Đến mức một số trường sử dụng IELTS để tuyển đầu vào thay cho các môn khác.
Ngay lúc này, chúng ta cần cân nhắc một số điều.
Chứng chỉ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, được thần thánh hoá hiện nay vì số người đạt chuẩn quá ít. Nguyên nhân là hệ thống giáo dục nước nhà có quá nhiều vấn đề khiến việc phổ cập ngoại ngữ gặp nhiều hạn chế. Nhớ năm 2020, điểm thi tiếng Anh thấp kỷ lục. Điều này sẽ được cải thiện nhưng bây giờ thì chưa, nhất là khi 70% dân số Việt Nam ở nông thôn và không có cơ hội tiếp cận như học sinh thành thị.
Chạy một vòng đường phố thì sẽ thấy đầy trung tâm tiếng Anh để giải quyết nhu cầu cơ bản này. Nó đã trở thành một ngành công nghiệp trăm triệu đô. Trên không gian mạng thì nó sản sinh ra hàng loạt influencers tiếng Anh và tạo cơ hội cho những anh tóc vàng và chị da trắng trở thành tâm điểm của sự thu hút chỉ vì họ nói ngôn ngữ của mình. Cho nên những bạn được IELTS 8.0 được coi là ngôi sao vì quá hiếm.
Nhưng như bao thứ khác, khi số lượng này gia tăng, nhất là khi tiếng Anh được phổ cập, thì người ta sẽ bớt thần tượng hoá lại. Khi làn sóng du học sinh trở về thì sẽ càng đẩy mạnh.
Trước đây chỉ cần giỏi tiếng Anh thì bạn sẽ có việc làm. Còn bây giờ thì nó chỉ được coi là một kỹ năng hoặc công cụ. Sẽ không ai thuê bạn chỉ vì bạn giỏi mỗi tiếng Anh.
Giỏi ngoại ngữ thôi sẽ không còn là lợi thế nữa. Đơn giản vì nó chỉ là công cụ để giao tiếp và kết nối với người khác. Bạn phải có chuyên môn nếu không thì sẽ trở nên dư thừa.
Cho nên mỗi lần khi nghe ai đó nói: “Bạn có thể làm phi công, tiếp viên hàng không, phiên dịch viên, biên tập viên, sáng tạo nội dung – chỉ cần biết tiếng Anh là đủ” thì rất phi thực tế.
Những Hana’s Lexis, Nguyễn Lâm Thảo Tâm và Khánh Vy hiện tại là ngôi sao. Nhưng sẽ ra sao nếu có hàng vạn người tương tự? Khó đoán nhưng sức hút sẽ không còn cao vì người ta đã bình thường về tài năng ngoại ngữ.
Đừng nhầm lẫn rằng kỹ năng tiếng Anh ngang hàng với khoa học tự nhiên vì khác hoàn toàn. Nói vậy thì có lẽ học sinh ở Úc, Canada, Mỹ, Anh và Châu là thiên tài hết rồi vì họ có tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ từ khi sinh ra. Nếu nói một ngôn ngữ nào đó lại được coi là tài năng thì có lẽ 300 triệu người dân Mỹ sẽ tự động đậu vào đại học vì họ sinh ra là có nền tảng tiếng Anh rồi, còn một tiến sĩ Việt Nam với phát âm địa phương sẽ được coi là đồ bỏ? Nghe có hợp lý không.
Một người giỏi tiếng Anh mà thiếu chuyên môn thì cũng chỉ có bề ngoài. Còn một người có chuyên môn thì có thể từ từ học tiếng Anh.
Ví dụ điển hình là mấy bạn Ấn Độ và Trung Quốc. Nếu nghĩ Việt Nam kém thì có lẽ chưa nghe accent Ấn. Nếu áp dụng logic của mấy ngôi sao IELTS ở Việt Nam thì người Ấn không có giỏi gì. Nhưng sai quá sai. Dù họ nói nặng accent nhưng có chuyên môn nên vẫn làm được việc.
Người ta chỉ quan tâm bạn làm được gì. Còn việc bạn phát âm với accent gì, nặng hay nhẹ, thì cũng xếp sau. Nếu bạn nói tiếng Anh với một accent thì hãy cố sửa, còn không thì chẳng sao. Nói người ta hiểu là ổn, phát âm chuẩn là tốt, giao tiếp để làm việc là được. Trừ khi có nguyện vọng làm người mẫu hay diễn viên thì ít ai quan tâm bạn nói giọng gì.
Ngay cả trong môi trường làm việc quốc tế, người ta cũng chỉ dùng từ ngữ đơn giản để giao tiếp, chứ ít ai nói chuyện như một thí sinh IELTS 8 chấm. Nếu bạn dùng thuật ngữ công phu để thể hiện bản thân thì e rằng người ta sẽ cảm thấy mệt mỏi vì phải giải nghĩa.
Nên đề cao IELTS và tiếp tục phổ cập tiếng Anh. Nhưng hãy bớt thần tượng ngôi sao IELTS lại. Điều này sẽ xảy ra tự nhiên khi số lượng bạn trẻ giỏi ngoại ngữ ngày càng nhiều. Cũng như in tiền, khi sự khan hiếm giảm thì con người sẽ không còn coi nó quý giá nữa.
Nguyễn Trọng Nhân & Lê Mỹ Ngân, 26.5.2022