Lùa gà là gì
Tham gia thị trường tài chính đủ lâu thì bạn sẽ hay bắt gặp thuật ngữ này, lùa gà. Từ chứng khoán, bất động sản, bán khóa học, tiền ảo hay forex – gần như bất cứ mảng nào cũng đều có hiện tượng lùa gà. Nếu muốn gây ác cảm hay hạ bệ một ai đó thì chỉ cần nói, “Đồ lùa gà.”
Nhưng lùa gà thực sự là gì? Chúng ta sử dụng từ này thường xuyên nhưng gần như ít khi nào nắm định nghĩa cụ thể để phân biệt ranh giới giữa lùa gà và quảng bá.
Giả sử bây giờ một tác giả bán sách về chứng khoán thì có phải đang lùa gà không? Hay một nhân viên môi giới cung cấp báo cáo chứng khoán cho khách, thì có phải đang lùa gà không?
Nếu lạm dụng từ này quá mức thì có lẽ tất cả ai tham gia trong thị trường đều đang lùa gà hoặc đang bị lùa gà.
Vậy hãy bắt đầu định nghĩa.
Trước tiên, chúng ta phải tìm hiểu vì sao lại có thuật ngữ lùa gà và nguồn gốc của nó là gì.
Như tên gọi, ngày xưa khi một anh nông dân muốn bắt gà thì phải tìm cách dụ nó vào một cái bẫy, để rồi làm thịt nó. Gà là con gà và lùa là xua đẩy hoặc dẫn dắt. Lùa gà là dẫn dắt hay dụ con gà. Đơn giản.
Nhưng khi áp dụng trong nội dung tài chính thì nó mang ý nghĩa khác.
Lùa gà là khi một cá nhân hay tổ chức nào đó, sử dụng sự ảnh hưởng của mình để thuyết phục người khác mua một sản phẩm hay dịch vụ tài chính có nguy cơ gây thiệt hại tiền bạc mà không cung cấp đầy đủ thông tin.
Dựa theo tiêu chuẩn trên thì để lùa gà một ai đó phải làm như sau.
- Biết rõ sản phẩm và dịch vụ mình giới thiệu, quảng bá hay bán có mức rủi ro cao và không mang lại lợi ích. Nhưng lại không nói và che giấu sự thật.
- Biết rõ người khác sẽ thiệt hại nhưng vẫn thúc đẩy.
- Biết rõ mình sẽ hưởng lợi bất chấp người khác có kết quả là gì.
Nói cách khác, nó không khác gì lừa dối hoặc thiếu trung thực.
Nhưng nếu nói vậy thì hơi khó hiểu. Chúng ta nên dùng vài ví dụ.
[1] Môi giới chứng khoán | Mai Anh là một nhân viên môi giới chứng khoán. Công việc của cô là chăm sóc khách hàng, trả lời câu hỏi, hỗ trợ khách mở tài khoản, hướng dẫn mua bán, cung cấp báo cáo, tư vấn sản phẩm và đưa ra khuyến nghị về thị trường.
Nếu vậy thì chẳng có gì sai. Nhưng nếu cô ta dụ khách mua bán thường xuyên để ăn hoa hồng, bán dịch vụ tín hiệu hay bán trái phiếu rủi ro cao và biết rằng khách sẽ mất tiền – thì đó là lùa gà. Bởi vì cô ta đã không đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu.
[2] Người tạo nội dung | Nhân là một người viết vu vơ trên mạng vì anh ta coi đó là một niềm vui. Anh ta thường xuyên chia sẻ quan điểm về tài chính, giới thiệu những cuốn sách, và giới thiệu những quỹ ETF mà anh ta cho rằng phù hợp để đầu tư dài hạn. Điều đó không có gì sai.
Nhưng nếu anh ta sử dụng mức ảnh hưởng của mình để quảng cáo cho dịch vụ tiền ảo, dự án NFT, bán tín hiệu có thể đem lại lợi nhuận 100% hay kêu người khác mua cổ phiếu rác nào đó mà biết chắc sẽ thua lỗ. Đó là lùa gà vì anh ta đã hưởng lợi từ nó trong khi người khác phải gánh thiệt hại.
[3] Dạy học | Minh là một giáo viên dạy các khóa về tài chính doanh nghiệp, khởi nghiệp và ngoại ngữ. Đó là những điều ai cũng chào đón. Nhưng nếu anh ta dạy chơi chứng khoán với sự hứa hẹn là học xong có thể kiếm lời nhanh, hay quảng cáo dự án gamefi và biết chắc người tham gia sẽ lỗ – đó là lùa gà, vì anh ta hưởng lợi còn người khác thì mất tiền.
Còn không, nếu người dạy bán những khóa học phi lý như “Khởi nghiệp 0 đồng và thành triệu phú,” “Nhân 100 lần vốn với bất động sản” hay “Kiềm $5000 mà không cần vốn hay kinh nghiệm” thì đó là lùa gà quá rõ ràng.
[4] Người nổi tiếng | Khoa là một người làm YouTube về du lịch, đó là một công việc chân chính. Nhưng nếu anh ta dùng sự nổi tiếng của mình để quảng cáo cho dự án tiền ảo nào đó, được hưởng lợi, và biết người khác sẽ thua lỗ – thì đó chính là lùa gà, không có gì để bàn cãi.
Lùa gà không chỉ áp dụng trong tài chính mà còn trong nhiều lĩnh vực nữa. Lùa gà là lừa dối, là lợi dụng ảnh hưởng của mình để trục lợi, là trực tiếp cũng như gián tiếp gây thiệt hại cho người khác, và hưởng lợi trên sự mất mát của người khác.
Đó là lùa gà. Cho nên đừng quá lạm dụng từ ngữ này mà hãy áp dụng nó với đúng đối tượng.
Nguyễn Trọng Nhân | Bóc Phốt Tài Chính, 05.4.2022