Lương phục vụ chỉ 20,000 VND một giờ, vấn nạn lương thấp của Việt Nam
Đây là tờ 20,000 VND. Với nó, bạn có thể mua vài viên kẹo, vài bịch mì gói hoặc ổ bánh mì. Nếu đổi ra ngoại tệ thì chưa được một đô la. Nói ngắn gọn, giá trị là không nhiều.
Nhưng nó lại là mức lương bình quân của một giờ lao động ở Việt Nam. Ví dụ tiêu biểu là ngành phục vụ. Các quán cà phê dù lớn hay nhỏ ở tỉnh và thành phố cũng chỉ trả nhiêu đó. Người làm chủ yếu là các bạn sinh viên cần thu nhập để trang trải cuộc sống.
Để hình dung hai mươi ngàn đồng là cao hay thấp thì chúng ta có thể dùng chính sản phẩm họ bán để so sánh.
Một ly cà phê ở Highlands, trà đào cam sả ở The Coffee House hay trà sữa ở Phúc Long thì giá bét cũng là 50,000 VND. Nghĩa là để mua được một ly bình thường thì nhân viên phục vụ phải làm việc tầm hai đến ba tiếng. Nếu nhìn ngược lại thì một giờ làm việc chỉ có thể mua chưa được nửa ly nước.
Nhưng ở một quốc gia khác phát triển hơn như Mỹ và Úc thì lương của một nhân viên phục vụ là tầm $15 và một ly cà phê ở Starbucks hoặc Gloria Jean’s có giá tầm $5. Nghĩa là với một giờ làm việc, nhân viên có thể mua ba ly.
Đó là một sự chênh lệch không hề nhỏ cho cùng một công việc nhưng khác địa lý.
Tuy so sánh hơi khập khiễng và không quá chính xác, nhưng nó cũng cho thấy ít nhiều sự khác biệt. Điều này sẽ làm bạn suy ngẫm, “Vì sao lương ở Việt Nam lại thấp như vậy?
Không thể nào giải thích đầy đủ được, nhưng chúng ta có thể phân tích những nguyên nhân như sau.
[1] Bản chất công việc lao động giá trị thấp | Ở đây không thể nói hết về các ngành nghề mà chỉ tập trung vào phân khúc lao động. Đó là những công việc cơ bản mà ai cũng có thể làm được, điển hình là phục vụ.
Công việc của một người pha cà phê, pha chế nước, dọn dẹp bàn ghế và chào hỏi khách không đòi hỏi quá nhiều trình độ hay kỹ năng. Bất cứ ai cũng có thể làm được, nếu cần thì sẽ được đào tạo nhưng rất nhanh chóng. Vì mức độ khó tương đối thấp cho nên lương cũng phản ánh điều đó.
Hai mươi ngàn đồng mỗi giờ là con số thấp vì nó khó mà cao được. Đa số người cũng chỉ coi đây là công việc bán thời gian để kiếm thêm chút tiền. Họ làm vài tháng, rồi nghỉ, rồi tìm việc khác tốt hơn. Cho nên không thể đòi hỏi quá nhiều từ một việc cơ bản.
[2] Dư thừa lao động | Việt Nam có quá nhiều người lao động trong khi số lượng việc làm thì ngược lại, đến mức xuất khẩu lao động hiện nay đang là trào lưu. Theo tổng cục thống kê, Việt Nam có 55 triệu người trong độ tuổi làm việc nhưng chỉ 23% được đào tạo. Có nghĩa là 77% còn lại không có trình độ, không có nền tảng, không kỹ năng cao và không được đầu tư để phát triển. Vì việc ít trong khi người nhiều nên doanh nghiệp tha hồ lựa chọn. Khi cung vượt cầu thì lương cũng không có lý do gì để tăng.
[3] Kinh tế gia công năng suất thấp | Nói như ở trên thì cũng không đúng. Lấy Mỹ hay Nhật Bản làm ví dụ. Dù là người phục vụ hay dọn vệ sinh nhưng lương cũng đủ để đáp ứng mức sống tốt. Lương một giờ làm việc tại McDonald’s ở Mỹ tầm $10 đến $15. Nó vẫn đủ để mua vài bữa ăn. Một người chỉ cần làm vài tiếng là đủ mua gạo, thịt gà, trứng, sữa và rau cho cả tuần. Vậy rõ ràng công việc phục vụ không phải là vấn đề.
Trong khi đó, một người phục vụ ở Việt Nam với lương hai mươi ngàn đồng mỗi giờ chưa mua nổi nửa ly nước. Rõ ràng là có điều gì đó khó hiểu.
Có nhiều lý do nhưng cái chính là năng suất. Mỹ, Úc, Âu và Nhật là nền kinh tế tri thức giá trị cao. Đằng sau một người lao động là cỗ máy công nghệ đang hỗ trợ họ. Từ việc thu ngân, chăm sóc khách hàng, phân tích dữ liệu cho đến chế biến. Năng suất chung đã đẩy mức lương lao động lên và tạo ra sự dư thừa về của cải.
Tiếc thay, chúng ta không thể nói điều tương tự với Việt Nam, nơi đang được coi là nền kinh tế gia công giá trị thấp. Nghĩa là chúng ta vẫn dùng tay chân để làm việc thay vì máy móc. Từ may quần áo, lao động phổ thông, tính tiền mặt cho đến pha chế. Vì lương thấp cho nên doanh nghiệp cũng không mặn mà gì đến việc áp dụng công nghệ vì chi phí quá tốn kém. Năng suất thấp dẫn đến lương thấp.
[4] Chi phí mặt bằng và gánh nặng bất động sản | Ngoài dư thừa lao động và kinh tế gia công thì các cửa hàng ở Việt Nam phải gánh một nỗi ám ảnh ngầm khác, chi phí thuê mặt bằng quá cao. Nói cách khác, giá bất động sản đang làm khổ doanh nghiệp.
Chi phí thuê mặt bằng bán lẻ ở Sài Gòn chiếm trung bình 30 đến 38% doanh thu. Nghĩa là doanh nghiệp thu mười thì gần phân nửa chi trả cho tiền thuê mặt bằng. Trong khi ở các nước khác, tỷ lệ này chỉ là 10%. Việt Nam là một trong những quốc gia có giá bất động sản cao nhất trong khi thu nhập thì thấp. Chính nghịch lý này đã đổi ngược nguyên lý cung cầu của lương.
Doanh nghiệp thay vì tăng tương cho người lao động thì phải dùng tiền để trả tiền mặt bằng. Nhìn ngược lại, sự tăng giá của nhà đất đã lấy đi cơ hội phát triển của những ai đang thực sự cần và sử dụng nó.
[Kết luận] Lương ở Việt Nam thấp vì nó phản ánh những gì đang diễn ra trong thị trường, đồng nghĩa với việc giá trị tạo ra không cao. Đó là kết quả của nền kinh tế lao động gia công.
Đừng hiểu sai nhé. Quốc gia nào cũng phải bước qua giai đoạn này trong quá trình phát triển. Không ai có thể nhảy vọt lên được. Trong tương lai khi lực lượng lao động được đào tạo, doanh nghiệp áp dụng máy móc và năng suất tăng thì lương cũng sẽ lên theo.
Nhưng hiện tại, lương ở Việt Nam thấp. Một người phục vụ chỉ nhận được 20,000 VND một giờ làm việc là điều không có gì để mừng.
Nguyễn Trọng Nhân, Bóc Phốt Tài Chính | 11.2.2022