Philipp Rosler, cách Deutschland nuôi lớn cậu bé Việt
Vào một ngày cuối năm 1973 ở Sài Gòn cũ, khi cuộc chiến bắt đầu đi vào giai đoạn cuối, một cậu bé mồ côi vô danh được chuyển từ nhi viện lên máy bay để đi đến vùng đất mới. Lúc đó chưa được một tuổi, cậu ta được một cặp vợ chồng người Đức nhận nuôi. Quá bé để có thể hiểu chuyện gì đang xảy ra.
11 năm sau, người dân Đức bất ngờ khi truyền thông đưa tin là cậu bé mồ côi ngây ngô gốc Việt kia, bây giờ mang tên Philipp Rösler đã trở thành phó thủ tướng.
Trong đội ngũ lãnh đạo mắt xanh tóc vàng, sự hiện diện của một chàng trai tóc đen với gương mặt khác hẳn với những đồng nghiệp của mình, việc một cá nhân trông khác lạ vươn lên vị trí cao thứ hai bỗng trở thành minh chứng thành công cho một nước Đức hiện đại.
Khi nhắc đến tên của quốc gia này, chúng ta không thể nào không nhắc đến lịch sử đen tối. Từ tinh thần đế quốc dẫn đến thế chiến thứ nhất, sự nổi dậy của trào lưu cực đoan tạo nên thế chiến thứ hai, cho đến sự chia đôi trong thời hậu chiến – Đức gần như đi đôi với một phần không đáng tự hào của quá khứ.
Nhưng quốc gia mang tên Cộng Hòa Liên Bang Đức mà cậu bé gốc Việt kia lớn lên khác hoàn toàn với những gì sách sử miêu tả.
Khác xa với tư duy cực đoan, nước Đức của Philipp Rösler, là một nơi cởi mở, văn minh, khoan dung và đa dạng. Đó là vì sao mặt dù có cái mặt gốc Á và cái tên Đức, cậu bé kia chưa bao giờ nghĩ mình là ai khác trừ việc là một người Đức.
Khi 4 hay 5 tuổi, cha của cậu bé ôm và đứng trước gương rồi nói, “Nhìn con kìa, rồi nhìn cha, chúng ta nhìn khác nhau. Nhưng hãy mặc kệ chuyện gì xảy ra hay người khác nói gì: cha vẫn là cha của con.”
Là một phi công trực thăng trong quân đội Đức, ông Uwe Rösler muốn làm gì đó khi cuộc Chiến Tranh Lạnh đang diễn ra. Ông ta quyết định nhận con nuôi. Cơ duyên đó đã dẫn hai người đến với nhau.
Từ Sóc Trăng nơi mình sinh ra, cậu bé bay tới Dusseldorf, lớn lên ở Hamburg, sau đó là Buckeburg, rồi Hanover. Được học tập trong một nền giáo dục tiên tiến, Philipp trở thành một bác sĩ trong quân đội Đức.
Tưởng chừng như vậy là đủ, nhưng không. Người đàn ông đầy tham vọng kia muốn nhiều hơn vậy. Vì cảm thấy mình có thể làm nhiều hơn để tác động, ông ta quyết định tham gia chính trường và trở thành nghị viên của bang Saxony từ năm 2001 đến 2006.
Bước tiến tiếp theo là trở thành nghị viên của quốc hội Đức vào năm 2009 và được bà thủ tướng Angela Merkel đề nghị làm Bộ Trường Y Tế. Tất cả như là bước đệm để vào năm 2011, vị trí phó thủ tướng Đức được phục vụ bởi ông ta.
Mặc dù bây giờ không còn làm việc trong bộ máy chính phủ nữa, nhưng dấu ấn của Philipp Rösler chưa bao giờ phai, nhất là đối với những người cùng gốc sắc tộc. Tuy chỉ coi mình là một công dân Đức và chưa bao giờ suy nghĩ khác, nhưng sự thăng tiến của người đàn ông này là cảm hứng bất tận.
Yếu tố khiến câu chuyện thành trở thành hiện thực là những bàn tay vô hình mà chỉ có thể tìm thấy ở các nước văn minh và Đức là một trong những nơi đó.
- Khoan dung. Cảm thông và chấp nhận những điều khác lạ. Đó là vì sao chưa bao giờ cậu bé kia luôn đặt niềm tin vào quốc gia mình lớn lên.
- Cởi mở. Chấp nhận sự đổi mới về sắc tộc, màu da và văn hóa.
- Giáo dục. Trao cơ hội cho tất cả đứa trẻ. Từ một đứa con nuôi, cậu ta được ăn học để trở thành một bác sĩ.
- Nhân tài. Công nhận tài năng cá nhân. Cho dù bạn là ai, từ đâu đến hay trông ra sao, nếu bạn yêu nước Đức thì là một người Đức.
Từ một quốc gia bại chiến, Đức tiến hóa thành trung tâm kinh tế của Châu Âu. Từ một quá khứ đáng lãng quên, Đức biến đổi để thành cục nam châm thu hút nhân tài từ khắp nơi đến. Khi tất cả những thứ trên được cộng lại, chúng ta có một nền tảng để bất cứ ai cũng có thể thành công.
Nếu quay ngược thời gian và thì chắc chắn rằng sẽ không ai tin rằng cậu bé trong nhi viện kia sẽ trở thành một nhà lãnh đạo của một cường quốc. Nhưng đối với nước Đức, không có gì là không thể.
Từ một cậu bé mồ côi trong nhi viện, thành Philipp Rösler, rồi phó thủ tướng Đức và câu chuyện thần kỳ.
Đó là cách Deutschland nuôi lớn cậu bé Việt.
Nguyễn Trọng Nhân, Bóc Phốt Tài Chính | 07.1.2022