Bóng đá Việt Nam, tầm nhìn của Bầu Đức và tư duy dài hạn | Nếu bạn muốn thấy một ví dụ của đầu tư dài hạn trong thể thao thì không thể nào bỏ qua Bầu Đức được. Ở đây không thần tượng hóa cá nhân mà chỉ nói về thành quả của tầm nhìn.
Là một người theo dõi Đội Tuyển Việt Nam [ĐTVN] đã lâu, như bao người khác, tôi đã quá quen với việc họ đá thua. Trước đây nó gần như là thông lệ. Trái ngược với tinh thần mê bóng đá của đa số người dân, đội bóng quốc gia đại diện cho họ lại có kết quả vô cùng tệ hại.
Thậm chí trước đây mỗi lần đám bạn mời đi coi chung thì tôi trả lời không ngần ngại, “Đá như CC, coi làm gì.” Tôi cá là nhiều bạn còn có nhận xét tiêu cực hơn nhiều. Thông cảm đi, vì thua nhiều quá nên quen miệng. Tới mức thắng một trận thì coi là thành tích.
Đỉnh điểm của bực bội có lẽ là khi chúng ta thua Thái Lan ngay trên sân nhà 3-0 năm 2015. Lúc đó hình như tôi cũng chế nhạo vì thành thật mà nói, chất lượng tệ quá.
Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi từ những năm 2018. Không, phải nói là trước đó.
Vào năm 2007, sau khi chuyến du đấu để học hỏi tại Anh Quốc, ông “Bầu Đức” đã nhận ra rằng nếu muốn phát triển bóng đá thì không thể nào chụp giật được mà phải đầu tư bài bản. Chẳng ai mà xây nhà từ nóc cả và bạn cũng không thể nào có đội bóng tốt nếu không bắt đầu từ thế hệ trẻ.
Với hoài bão đó, ông ta bỏ tiền để xây dựng học viện bóng đá HAGL với tầm nhìn là nó sẽ sản sinh ra những cầu thủ tài năng.
Mọi người đã cười và gọi ông ta điên.
10 năm sau, khi những Công Phượng bắt đầu trưởng thành thì mọi người mới thấy được thành quả của tầm nhìn và sự bài bàn. Tôi không phải là fan cuồng bóng đá cho nên đừng bắt bẻ chi tiết quá nhé.
Từ đó chúng ta bắt đầu làm quen với việc nghe tin ĐTVN thắng. Sau những chuỗi năm thất bại quá lâu, nó trở thành hiện tượng. Từ giải U23 Châu Á, Đông Nam Á và Asian Cup, Việt Nam bỗng trở thành sự chú ý.
Dù khoảng cách với các đội hàng đầu châu lục vẫn còn xa nhưng không thể nào bác bỏ được sự tiến bộ vượt bậc.
Khi coi thì tôi chợt nhận ra nhiều điều. Tác động ở đây không chỉ là bóng đá mà còn là sự tự tin và tư duy dân tộc.
Nếu bạn nghĩ Bầu Đức đầu tư cho bóng đá để thắng nước láng giềng hay vài trận ở giải châu lục thì chưa hiểu tầm nhìn. Nó mang ý nghĩa bên ngoài sân bóng và tác động rộng hơn, nhất là ở tư duy con người.
Hãy nhìn lại lịch sử đất nước. Từ đầu đến cuối đã bị xâm chiếm và cai trị. Điều này dần tạo tâm lý sính ngoại và nhu nhược trong tư duy dân chúng. Trải qua thời kinh tế khó khăn thì nó được nhân rộng lên nhiều lần.
Khi kinh tế mở cửa thì chúng ta bắt đầu va chạm nhưng giới hạn nhận thức vẫn còn.
Trước đây đá với Thái Lan chúng ta luôn mang tư duy của kèo dưới và người thua cuộc. Nhưng bây giờ thì không. Đội Việt Nam đã vứt bỏ rào cảm tâm lý đó để vươn mình. Bây giờ thì gặp ai vẫn bình thường, tự tin và không có gì phải ngại.
Vậy điều này mang lại lợi ích gì.
Bóng đá là môn thể thao vua được coi bởi hàng triệu người. Khi người dân nhìn thấy 11 cầu thủ tự tin thể hiện thì tâm lý họ cũng sẽ thay đổi. Họ cũng sẽ dẹp bỏ tư duy tự hạ thấp và rụt rè ở mọi mặt. Dù là kinh tế, nghệ thuật, công nghệ hay văn hoá. Muốn thành công thì trước tiên hãy tự tin.
Bạn cũng vậy nhưng không nhận ra. Ở đây xin không nói đến khái niệm yêu nước vì quá xa vời mà hãy nói đến sự thay đổi của tiềm thức. Đó là thành công. Bóng đá chỉ là công cụ thúc đẩy.
Chúng ta nên bắt đầu tự tin trước đám đông ở các diễn đàn quốc tế. Vì nếu không tin vào chính mình thì chẳng ai dám tin nữa.
Trên hết, chúng ta nên học hỏi từ Bầu Đức rằng muốn xây dựng bất cứ cái gì thì cũng cần thời gian và tầm nhìn. Chụp giật chưa bao giờ mang lại thành công mà chỉ là vòng xoay thất bại.
Tuy đây chỉ là môn thể thao và đội bóng, nhưng ẩn chứa sau là những giá trị tiềm ẩn. Việt Nam sẽ còn đi xa hơn nữa.
Bóc Phốt Tài Chính | 15.6.2021