Học tài chính sẽ làm nhà đầu tư thiên tài như Warren Buffett | Có nên học chuyên ngành tài chính ở đại học không. Tùy vào mục đích của bạn. Nhưng đừng nhầm tưởng.
Trước đây vào những năm 2007-10 thì có trào lưu học tài chính ngân hàng, tới mức một trường có gần phân nửa ứng viên thi vô ngành đó. Cũng như IT bây giờ, ai cũng học vì nghĩ mình sẽ trở thành Mark Zuckerberg.
Trong khi thực tế thì phần lớn công việc trong ngành tài chính không liên quan gì tới cổ phiếu, nó chỉ là một phần nhỏ. Nếu bạn tốt nghiệp khối kinh tế tài chính ra thì sẽ làm những việc sau.
- Kế toán kiểm toán.
- Nhân viên thu hồi nợ, giải quyết hóa đơn.
- Nhân viên tài chính nội bộ.
- Nhân viên sales sản phẩm tài chính bao gồm chứng chỉ quỹ, dịch vụ ngân hàng, vay trả góp, tín dụng và bảo hiểm nhân thọ. Đó là những sản phẩm người dân tiếp xúc nhiều nhất.
- Phân tích viên trong các công ty.
Những thuyết tài chính bạn học ở trường không giúp nhiều trong việc lựa chọn cổ phiếu đâu. Đó cũng không phải là mục đích. Nếu giảng viên có thể đoán được ngày mai mã nào tăng hay giảm thì có lẽ đã giàu và không còn giảng dạy nữa.
Nhiệm vụ của chương trình tài chính là nâng cao tư duy và ép người học phải có cái nhìn toàn diện về vấn đề. Bạn áp dụng trong công việc để giải quyết tình huống và tái định hướng mục tiêu.
Khi một cái gì đó hiếm thì còn được coi là ngành học. Nhưng khi nó quá phổ biến thì sẽ là công cụ. Kiến thức chứng khoán, tài chính và kinh tế là những cái đó.
Nếu muốn đầu tư chứng khoán thì bạn có thể tự đọc sách và tìm hiểu chứ không cần học chuyên ngành làm gì.
Tuy nhiên phải thừa nhận là sự khác biệt lớn nhất giữa người chuyên và không chuyên không nằm ở kiến thức mà là tư duy và cách giải quyết vấn đề. Họ sẽ có cái nhìn dài hạn, né xa đầu cơ đánh cược và hướng đến an toàn và chỉ mạo hiểm khi khả năng cho phép.
Bóc Phốt Tài Chính | 30.5.2021