Ảo giác lạm phát, lương tăng nhưng bạn không giàu hơn

Khi bạn có nhiều tiền hơn nhưng không giàu hơn, đó là ảo giác lạm phát.

Đây là Nancy, cô bạn của mình ở Sài Gòn. Vào đầu năm 2022, lương của cô ấy là 13 triệu. Sau vài năm đi làm, lương của cô ấy nhảy lên 20 triệu. Cô ấy cảm thấy mình thật tài giỏi và xứng đáng. Nhưng không hiểu vì sao, cô ấy vẫn không có dư. Kế hoạch để sửa chữa căn nhà ở quê hay một cái chung cư ở Sài Gòn vẫn còn xa vời. Mình cũng không hiểu. Tiền đi đâu hết rồi.

Nếu bạn cũng thắc mắc thì đừng lo, nhiều người cũng khó hiểu như vậy. Khi bạn có nhiều tiền nhưng không giàu hơn, đó là ảo giác lạm phát.

Không hiểu hả. Để mình tâm sự và giải thích.

Chúng ta hay nhầm lẫn giữa giá cả và giá trị. Hai cái nhìn giống nhau, nhưng hơi khác một chút. Giá cả là thứ bạn thấy, còn giá trị là thứ bạn nhận được. Bạn có thể có lương cao hơn hay nhiều tiền hơn, nhưng nếu nó không mua được nhiều hàng hóa, thì cũng không có ý nghĩa cho lắm.

Để nói cụ thể hơn.

Vào năm 2022:

  • Lương của Nancy là 13 triệu/tháng, 156 triệu/năm, hoặc $6,700/năm.
  • Tỷ giá USD/VND là 23,000đ.
  • Giá vàng là 67 triệu đồng/lượng.
  • Một căn hộ bình dân có giá là 35 triệu/m2.
  • Một tô phở có giá là 40,000 đồng.

Nghĩa là với mức lương 156 triệu/năm, Nancy có thể mua được 2.3 lượng vàng, căn hộ 4.4m2, hoặc 3,900 tô phở.

Bây giờ là năm 2025:

  • Lương của Nancy là 20 triệu/tháng, 240 triệu/năm, hoặc $9,200/năm.
  • Tỷ giá USD/VND là 26,000đ.
  • Giá vàng là 117 triệu đồng/lượng.
  • Một căn hộ bình dân có giá là 50 triệu/m2.
  • Một tô phở có giá là 60,000 đồng.

Nghĩa là bây giờ với mức lương 240 triệu/năm, Nancy có thể mua được 2 lượng vàng, căn hộ 4.4m2, hoặc 4,000 tô phở. Nghĩa là gần như không thay đổi gì. Thậm chí, nó còn giảm nếu so với giá nhà đất hay vàng. Thứ duy nhất tăng chính là giá cả.

Nó khiến chúng ta nghĩ rằng mình tài giỏi và giàu có hơn. Nhưng khi cầm tiền đi chợ mua đồ, bạn sẽ sốc. Trước đây với tờ 500,000đ, bạn có thể mua cho cả gia đình, còn bây giờ thì chỉ đủ nuôi bản thân. Nó cho thấy tiền đang dần mất giá.

Cô ấy tuy có lương cao hơn nhưng thực tế không giàu hơn chút nào. Nói vậy thì hơi tiêu cực, nhưng cũng không phải là không đúng. Đó là ảo giác lạm phát.

Chục năm trước đây, lương $1,000 hay 20 triệu là một cột mốc đánh dấu sự thành công, bởi vì chỉ cấp quản lý mới có mức đó. Còn bây giờ, số lượng nhân viên thường có lương 20 triệu nhiều không đếm được. Tới mức người ta coi là điều bình thường.

Ảo giác lạm phát không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà ở tất cả mọi nơi. Nó chỉ khác ở mức độ thôi. Mượn lời của nhà kinh tế học người Áo, Ludwig von Mises, lạm phát khiến con người nghĩ rằng họ giàu có, nó tạo ra sự phồn vinh ảo, và làm lệch giá trị. Chỉ khi con người quy đổi tiền ra hàng hóa, lúc đó họ mới nhận ra sự thật.

Nhưng, tại sao lại có hiện tượng này?

Giải thích đơn giản là in tiền. Sau COVID-19, chính phủ khắp nơi đã in tiền để cứu trợ nền kinh tế của mình. Vào năm 2020, chúng ta chưa thấy hiệu ứng đó. Chỉ sau vài năm, khi lượng tiền tân tạo được lan rộng trong nền kinh tế, nó đẩy giá hàng hóa lên, thì chúng ta mới cảm giác được.

Cũng không trách các chính phủ vào thời điểm đó được, vì nếu không làm vậy thì khó mà hình dung chúng ta sẽ ra sao. Ở đâu cũng in tiền, ở đâu cũng có lạm phát, nhưng quan trọng là bao nhiêu.

Mỹ cũng có lạm phát, nhưng lương một giờ là $20 có thể mua được bữa ăn. Còn lương một giờ ở Sài Gòn là $1, hay 26,000đ, thì có thể mua được một chén phở hay ly cà phê muối. Ở đâu cũng có người này người nọ, ở đâu cũng có này kia, nhưng quan trọng mức độ là bao nhiêu.

Đó là ở cấp cá nhân thôi. Chúng ta dùng lương, giá xăng, giá thịt, hay đơn giản là tô phở. Những cái đó chúng ta chứng kiến tận mắt mỗi ngày. Bạn có thể không định nghĩa được lạm phát là gì, nhưng không ai mà không thấy giá hàng hóa ngày càng tăng.

Điều này nó khiến mình suy nghĩ thêm về định nghĩa của thịnh vượng và phát triển.

Thịnh vượng hay “sự giàu có” không phải là quốc gia đó có bao nhiêu tiền, mà nơi đó có bao nhiêu hàng hóa và chất lượng ra sao. In tiền thì ai làm cũng được. Tiền chỉ là giấy, nó vô nghĩa. Nếu tiền là giàu có thì Argentina hay Zimbabwe đã là một cường quốc vì họ không có gì ngoài tiền.

Ở cấp cá nhân, giàu có là bạn sở hữu bao nhiêu và có thể mua được bao nhiêu. Nếu cách đây vài năm, một giờ lương của bạn có thể mua được 1 ly cà phê, còn bây giờ cũng 1 giờ lương đó, bạn mua được 10 ly, đó là phát triển. Còn nếu cũng 1 giờ làm việc, lương tăng, nhưng bạn chỉ mua được 1 ly cà phê, thì gần như không có gì thay đổi.

Ở cấp quốc gia, sự giàu có không phải là giá đất đã tăng bao nhiêu, chúng ta có bao nhiêu triệu phú, hay GDP đã tăng bao nhiêu. Những cái đó đúng một phần nhưng dễ bị hiểu sai vì ảo giác lạm phát.

Giả sử bây giờ một quốc gia nào đó có GDP tăng liên tục, nhưng lương tháng bình quân của người lao động không mua nổi một chiếc xe, môi trường thì ô nhiễm, và mỗi lần bệnh là tốn mấy tháng lương, thì rất khó để gọi đó là giàu có.

Ngược lại, một quốc gia mà có GDP không tăng, nhưng lương tháng bình quân đủ mua nhà và xe, môi trường trong sạch, con cái đi học miễn phí, và đi bệnh viện không tốn tiền, đó mới là giàu có.

Ngoài ra, có những thứ tiền không thể nào mua được. Nhưng thực phẩm sạch, không khí trong lành, và sự trật tự. Nhưng, chuyện đó hơi to lớn. Quay lại câu chuyện bình dân.

Khi bạn đã hiểu rằng giàu có không phải là số tiền, mà là sức mua, bạn có thể đo lường bằng cách tự hỏi vài câu đơn giản.

  • Trước đây, lương tháng của bạn mua được gì, còn bây giờ mua được gì? Lấy giá vàng làm ví dụ.
  • Giá một căn hộ bây giờ gấp mấy lần lương?
  • Đơn giản hơn là bây giờ cầm tờ 500,000đ ra chợ, bạn mua được gì.

Lúc đó bạn chợt nhận ra giá trị thật. Còn khi bạn có nhiều tiền hơn nhưng không giàu hơn, đó là ảo giác lạm phát. Đó là sự khác biệt.

Nguyễn Trọng Nhân, 15.5.2025